Cho phép Hà Nội hạn chế phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường

author 05:38 04/07/2024

(VietQ.vn) - Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Giao thông vận tải là động lực cho sự phát triển thịnh vượng của thành phố Hà Nội, bên cạnh đó cũng tạo ra các thách thức, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Trong giao thông vận tải đường bộ, xe mô tô, xe gắn máy có số lượng lớn nhất, tương ứng với việc phát thải mạnh các chất gây ô nhiễm không khí.

Trong nghiên cứu “Phát thải từ hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy trong giao thông đường bộ tại thành phố Hà Nội”, nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đưa ra các căn cứ cho thấy, xe máy là nguồn thải cần kiểm soát và áp dụng các biện pháp giảm phát thải để giảm các chất ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tổng phát thải bụi từ xe máy là 5.261 tấn/năm, NOx là 22.478 tấn/năm, CO là 845.340 tấn/năm và SO2 là 345 tấn/năm. Dữ liệu thể hiện kết quả kiểm kê chi tiết từ nguồn xe máy và cho thấy, đây là nguồn thải cần kiểm soát và áp dụng các biện pháp giảm phát thải để giảm các chất ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội. 

Theo các chuyên gia, khí thải từ xe cộ chứa các chất độc hại như carbon monoxide (CO), hydrocarbon (HC), oxides of nitrogen (NOx), và các hạt bụi nhỏ, gây ra các vấn đề về sức khỏe như bệnh đường hô hấp, các vấn đề về huyết áp, và các bệnh về tim mạch.

Các chất gây ô nhiễm trong khí thải phương tiện giao thông làm tăng lượng chất gây ô nhiễm trong không khí, góp phần vào tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng ở thời điểm hiện tại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.

Khí thải phương tiện giao thông cùng với các chất khác tạo ra hiện tượng sương mù đô thị, làm giảm tầm nhìn và tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Các chất độc hại trong khí thải có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm giảm chất lượng đất đai, nước và không khí, ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật và động vật. Phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí cũng góp phần vào hiện tượng biến đổi khí hậu thông qua việc gia tăng nồng độ các khí nhà kính như CO2 trong không khí.

Hà Nội có thể hạn chế phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, mới đây Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch.

Điều 28 Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp.

Quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch.

Quy định các biện pháp hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề ở nông thôn.

Quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn Thành phố; quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, các công trình ngầm công cộng trên địa bàn Thành phố.

Chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác đường sắt đô thị, xe buýt, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và sử dụng các phương tiện giao thông phát thải thấp; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm để giảm ùn tắc giao thông, giảm phát thải; áp dụng phí giảm ùn tắc giao thông;

Chính sách phát triển đường vành đai, trung tâm logistics, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô;

Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải; Chính sách quản lý, khai thác đường đô thị, đường sắt đô thị, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2023/BTNMT do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT ngày 13/03/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/09/2023. QCVN 05:2023/BTNMT thay thế QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT.

Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn tối đa các thông số cơ bản và các thông số độc hại trong không khí xung quanh. Quy chuẩn này áp dụng để giám sát, đánh giá chất lượng không khí xung quanh. Quy chuẩn này không áp dụng đối với không khí trong nhà.

Việc quan trắc định kỳ hoặc tự động, liên tục chất lượng không khí và sử dụng kết quả quan trắc để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. Việc quan trắc chất lượng không khí định kỳ cần căn cứ vào mục tiêu quan trắc để lựa chọn các thông số quan trắc phù hợp.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang