Chú dế mèn vẫn mạnh khỏe và cường tráng lắm

author 15:28 21/11/2012

(VietQ.vn) - Nhiều người tự hỏi Không biết có tác phẩm văn học nào khi mới ra đời đã nổi tiếng và sau đó gần như luôn đồng hành với các thế hệ học sinh trong nhà trường như “Dế mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài? Câu trả lời sẽ là chưa?

Nhà văn Tô Hoài (ngồi ghế) chụp ảnh cùng người thân và các nhà văn, người hâm mộ

Bằng chứng là cho đến nay, "Dế mèn phiêu lưu ký" vẫn là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới. “Dế mèn phưu lưu ký" không chỉ quanh quẩn ở bãi cỏ ven sông Tô Lịch mà đã vượt qua biên giới quốc gia đến làm bạn với thiếu nhi của gần 40 quốc gia trên thế giới. Chính cha đẻ của dế mèn, nhà văn Tô Hoài cũng thừa nhận rằng bản thân ông cũng chưa đi được bằng ấy. Do vậy, cuốn sách cũng được nhiều thế hệ thiếu nhi đọc liên tục, không ngừng nghỉ trong suốt 70 năm qua.

Tại lễ kỉ niệm 70 năm “Dế mèn phiêu lưu kí” do Hội nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, nhà văn Tô Hoài tuy không được khỏe nhưng vẫn niềm nở, chân thành chia sẻ với bạn đọc và những người mến mộ. Ông kể, người bạn thân của mình là Marian Tơ kachop là người đã có công chuyển thể tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí” sang tiếng Nga năm 1959. Và tiếng Nga cũng là ngôn ngữ đầu tiên mà chú dế mèn bước chân ra khỏi cánh đồng làng để đến với bầu trời rộng lớn. Nhà văn Tô Hoài nói: “Sở dĩ tác phẩm dế mèn biết được ở Nga nhiều vì tôi có ông bạn thân là Marian- tơ kachop. Các cháu rất vui vì tôi viết “con dế mèn răng trắng tểnh”. Còn nhiều em Nga lại viết thư bảo tôi rằng: phải viết là “răng hơi xám”. Sau đó tôi nghĩ lại và sửa lại “răng chú dế mèn xám”.

Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920 tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Năm 1941 ông viết truyện “Con dế mèn” cho tủ sách Truyền Bá của Nhà xuất bản Tân Dân. Năm 1942, ông viết tiếp 2 tập Dế mèn phiêu lưu ký để có được cuốn sách như diện mạo ngày hôm nay. Tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm đầu tay viết cho thiếu nhi của ông và cũng là tác phẩm có giá trị rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác đồ sộ của nhà văn Tô Hoài. 70 năm kể từ lúc ra đời, tác phẩm này đã trở thành người bạn của tuổi thơ nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Cuốn sách thấm đẫm tình yêu thương, ca ngợi lí tưởng hòa bình và tình bạn cao đẹp. Cho đến nay tác phẩm đã được chuyển thể thành truyện tranh, truyện có minh họa… qua hàng chục lần tái bản hàng triệu bản in vẫn luôn được bạn đọc yêu mến và đón nhận.

Nhà thơ Bằng Việt tự nhận mình là “thế hệ dế mèn”. Ông và những người bạn cùng trang lứa đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của “Dế mèn phiêu lưu kí”. Không những bởi cốt truyện gần gũi, thiên nhiên sinh động mà nghị lực, niềm đam mê của dế mèn đã tiếp sức cho thế hệ những người như ông: “sau này khi chúng tôi lên đường nhập ngũ, tham gia vào hai cuộc kháng chiến đều mang trong lòng mình tư tưởng nhân văn, vì chính nghĩa, yêu hòa bình từ hình ảnh chú dế mèn”.

Còn với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: hình ảnh chú dế mèn lại đem đến cho ông sự liên tưởng về mặt lịch sử văn học. Đó là Dế Mèn của Tô Hoài và Chí Phèo của Nam cao. Anh Chí làng Vũ Đại bây giờ đã gần 100 tuổi - tuổi đời nhân vật trong truyện. Còn như tuổi văn học thì bằng tuổi Dế Mèn. Chí Phèo đòi lương thiện làm người. Còn Dế Màn đi tìm thế giới lương thiện. Cha đẻ của hai nhân vật là bạn thân của nhau, cùng đấu tranh cho lý tưởng công bằng, hạnh phúc. Vì lẽ đó, “Dế mèn phiêu lưu kí” không dừng lại ở thế giới tự nhiên, không chỉ là câu chuyện phiêu lưu của chú dế mèn, mà nso còn đánh thức người đọc lớn tuổi những khát vọng lớn lao hơn từ một chú dế mèn.

Còn đối với lứa tuổi thiếu nhi, học trò bây giờ, “Dế mèn phiêu lưu kí” vẫn là một trong những tác phẩm đầu tiên đến với tâm hồn trẻ thơ. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Thụy Anh - Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, cha mẹ phải là những người bạn cùng đọc, cùng chia sẻ và định hướng cho các em. Thế giới tuổi thơ cũng như tâm hồn một người đàn ông, tâ, hồn các em được chia nhiều ngăn sở thích. Trong đó những truyện đồng thoại như “Dế mèn phiêu lưu kí” chiếm một vị trí khá đặc biệt trong việc tiếp cận tâm lý và hình thành nhân cách của các em. Vì thế mà, trong chương trình giảng dạy trong nhà trường, kể từ năm 1986 đến nay, chúng ta đã có ba lần thay đổi, chỉnh lí sách giáo khoa. Nhưng dù sao, tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” vẫn luôn có mặt trong chương trình và trong sách giáo khoa văn học.

Dịch giả Châu Diên- Phạm Toàn nhận định: “Hôm nay ông Dế Mèn của cụ Tô Hoài ăn mừng thất tuần đại khánh. Hội nhà văn Hà Nội chọn ngày Nhà giáo 20 tháng 11 để kỷ niệm là rất có ý tứ. Nó gắn bó năng lực và trách nhiệm nhà giáo với tài năng và trách nhiệm nhà văn”.

Nhà văn Nga Gogol từng tâm niệm: “Hãy mang theo tất cả để lên đường, từ những năm niên thiếu dịu dàng đến khi bước vào tuổi trưởng thành khắc khổ. Hãy mang theo tất cả xúc cảm tâm hồn nhân loại, đừng bỏ chúng lại dọc đường, để rồi sau đó lại nhặt lên”. “Dế mèn phiêu lưu kí” thuộc những “xúc cảm tâm hồn nhân loại” đó.

Hà Ni
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang