Còn nhiều 'nút thắt' trong kiểm tra chuyên ngành

author 13:43 03/03/2023

(VietQ.vn) - Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) "Tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới" vừa diễn ra.

Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, Việt Nam là một trong 20 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất. Hàng hóa của Việt Nam đã xuất sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD.

Ông Hoàng Quang Phòng cho hay: "Khoảng 38% DN còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Khoảng 24% DN phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh".

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

 Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, hệ thống một cửa quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước; vẫn còn nhiều mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ, ngành trở lên. Logistics cũng còn thiếu và yếu. Thủ tục hành chính còn nhiều.

"DN khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW) khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì vẫn còn có công đoạn thủ công hoặc là DN phải in giấy chứng nhận kiểm dịch đưa cho cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức hải quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống lúc đó tờ khai mới được thông quan", ông Lê Mạnh Cường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng nêu thực tế.

Một điểm nghẽn lâu khắc phục là vấn đề kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.

"Việc kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc, cập nhật thông tin chưa đồng bộ (đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp). Nộp thuế qua online nhưng vẫn phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan", bà Lương Thu Hương – Chủ tịch Hiệp hội DN Hải Dương cho biết.

Theo khảo sát của VCCI, vẫn có tới 59% DN gặp ít nhất một khó khăn trong việc tuân thủ thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trình tự kiểm tra chuyên ngành phức tạp, danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Tuy kiểm tra chuyên ngành thực hiện ở cửa khẩu nhưng vẫn có những trường hợp DN phải về tận bộ, ngành mới được giải quyết.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang