Công cụ Lean - giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp dệt may

author 15:54 04/07/2024

(VietQ.vn) - Lean chính là phương pháp giúp doanh nghiệp nhận diện và loại bỏ các lãng phí, bất hợp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc sử dụng các kỹ thuật của công cụ Lean để đưa ra giải pháp cải tiến vấn đề năng suất, chất lượng nhằm giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Sản xuất tinh gọn hay sản xuất tiết kiệm (Lean) là một trong những phương pháp quản trị hiện đại nhằm tinh gọn hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí trong doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh doanh, nhờ đó giúp tổ chức, doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.

Theo các chuyên gia, đây là phương pháp sản xuất tinh gọn được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Bởi nhiều ưu điểm, Lean là phương pháp được các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đặc biệt ưa thích, áp dụng.

Tại Việt Nam, Lean được giới thiệu đến các công ty dệt may bắt đầu từ những năm 2006. Việc áp dụng Lean giúp doanh nghiệp cải thiện đáng kể năng suất. Cụ thể, năng suất tăng, tỷ lệ hàng lỗi giảm, thời gian làm việc rút ngắn, chi phí sản xuất giảm, thu nhập người lao động tăng… là những gì mà các doanh nghiệp dệt may tổng kết được sau khi triển khai thành công phương pháp này.

Tại Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, sau khi áp dụng Lean, doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả hơn mặt bằng nhà xưởng, giảm hàng tồn trên chuyền từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn 8%. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, công ty đã chọn công nghệ Lean là một trong 10 giải pháp quan trọng để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 10 – 15%.

Sau khi tiến hành áp dụng phương pháp Lean, hiệu quả mang lại cho Dệt may Hòa Thọ trước hết phải kể tới hiệu quả sử dụng mặt bằng nhà xưởng. Diện tích sử dụng được thu gọn, hàng hóa sắp xếp khoa học, giảm thiểu thời gian lãng phí khi di chuyển trong nhà xưởng. Nhờ đó, tư tưởng người lao động được ổn định, cầu tiến, đặc biệt không cần làm thêm giờ mà thu nhập vẫn tăng.

Áp dụng Lean là quá trình lâu dài và cần phải xây dựng từng bước. Đầu tiên là người lãnh đạo phải quyết tâm, quyết liệt triển khai, lần đầu tiên, lần thứ hai có thể thất bại song tuyệt đối không được bỏ cuộc.

Do vậy, để có thể tư vấn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, đòi hỏi các chuyên gia tư vấn phải biết đồng thời 2 kỹ năng: Triển khai Lean và kỹ thuật chuyên ngành công nghệ may. Đây cũng được xem là công cụ để giúp doanh nghiệp hướng đến nâng cao năng suất chất lượng.

Trong khi dây chuyền may thông thường luôn bận rộn nhưng hiệu quả không cao thì dây chuyền may áp dụng Lean lại triệt tiêu lãng phí một cách đáng kể, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giảm giờ làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhờ đó nâng cao sức cạnh tranh.

Hay tại Tổng Công ty May 10 triển khai áp dụng Lean từ nhiều năm trước, năng suất lao động của doanh nghiệp đã tăng tới 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm, chi phí sản xuất giảm từ 5 - 10%/năm. Thêm vào đó, giờ làm được giảm bớt 1 giờ/ngày, không cần tăng ca kíp mà thu nhập lao động cũng tăng trung bình 10%.

Tổng công ty May Nhà Bè cũng là doanh nghiệp đã đưa Lean vào áp dụng trong toàn đơn vị từ khá lâu. Doanh nghiệp liên tục thực hiện các cải tiến sản xuất, trước hết là triển khai đồng loạt Lean cho một loại sản phẩm, sau đó triển khai cho cả tổ sản xuất. Đại diện lãnh đạo Tổng công ty cho biết, áp dụng Lean đã giúp Tổng công ty tăng năng suất toàn hệ thống hơn 20%, dây chuyền sản xuất ổn định, kiểm soát theo từng giờ sản xuất. Giờ làm việc của người lao động cũng giảm 1 giờ/ngày, thêm 1 ngày nghỉ cho nhân viên. Thậm chí, các ca kíp làm việc cũng bỏ hoàn toàn; hàng lỗi giảm từ 20% còn 3%.

Có thể khẳng định, năng suất chất lượng là yếu tố quan trọng cốt lỗi quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mỗi doanh nghiệp sử dụng các phương pháp, công cụ khác nhau phù hợp với nguồn lực và hiện trạng của mình.

Lean chính là phương pháp giúp doanh nghiệp nhận diện và loại bỏ các lãng phí, các bất hợp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc sử dụng các kỹ thuật của công cụ Lean để đưa ra giải pháp cải tiến vấn đề năng suất, chất lượng nhằm giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Lean bao gồm nhiều công cụ quản lý đã được đúc rút từ thực tiễn và hệ thống hóa giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận phương pháp quản lý hiện đại mà không mất nhiều công sức, thời gian để nghiên cứu. Phương pháp quản lý tinh gọn cho phép các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau có thể lựa chọn công cụ và cách áp dụng phù hợp với đặc điểm và hiện trạng của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt, để có thể tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải liên tục cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc loại bỏ sự lãng phí trong sản xuất đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Hà My 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang