Công tác an toàn điện, phòng tránh tai nạn điện trong nhân dân

author 19:51 19/10/2021

(VietQ.vn) - Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sự đa dạng và tiện ích của các thiết bị dùng điện ngày một phổ biến và gần gũi hơn với sinh hoạt, đời sống nhân dân cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.

Việc thường xuyên sử dụng các thiết bị điện mà thiếu sự hiểu biết, thiếu phòng ngừa tai nạn về điện đã dẫn đến vô tình hoặc cố ý xâm phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp gây mất an toàn điện, gây ra tai nạn khi sử dụng điện ngày càng nhiều. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra hàng trăm vụ tai nạn về điện, trong đó có 21 vụ tai nạn do sử dụng điện gây chết người, hàng chục vụ vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện cao áp gây sự cố lưới điện, việc sử dụng điện thiếu an toàn còn là nguyên nhân gây cháy nổ làm thiệt hại về tài sản, tính mạng con người và ảnh hưởng đến cung cấp điện liên tục cho hệ thống điện.

 
Những nguyên nhân gây tai nạn điện

Tiếp xúc trực tiếp với các vật mang điện do: Sửa chữa điện khi chưa đóng/ngắt nguồn điện, do cách điện bị hỏng làm rò rỉ điện ra các vật truyền điện bằng kim loại khác, do chạm trực tiếp vào ổ điện, dây điện trần hoặc dây dẫn điện bị hở, do sử dụng thiết bị điện không đảm bảo an toàn, chạm vào dây dẫn bị đứt, rơi mà chưa ngắt nguồn điện;

Tiếp xúc với các phần tử đã được tách ra khỏi nguồn điện nhưng vẫn còn đang tích điện như bộ lưu điện, tụ điện, điện cảm ứng... mà chưa khử hết điện tích dư;

Vi phạm khoảng cách an toàn với trạm biến thế và lưới điện cao áp gây phóng điện dù không tiếp xúc trực tiếp; Do điện áp bước tạo ra khi có dòng điện tản trong đất do chạm đất của lưới điện; Vi phạm quy trình an toàn khi làm việc với lưới điện, thiết bị điện;

Theo thống kê, tai nạn điện trong nhân dân thường gia tăng khi sử dụng điện tăng vào cao điểm hè và mùa mưa bão do sử dụng nhiều thiết bị điện hơn, thiết bị điện dễ bị hư hỏng do quá tải, do nguy cơ giông lốc ảnh hưởng đến an toàn lưới điện, mưa gây ra tình trạng rò điện gia tăng.

Hậu quả của tai nạn điện

Về con người: Khi tiếp xúc với điện hoặc bị phóng điện sẽ có dòng điện chạy qua người, dòng điện đó sẽ phá vỡ mô tế bào gây bỏng điện, tổn thương nghiêm trọng cơ và xương, phá huỷ máu, ngã gãy xương; nặng có thể gây sốc hệ thần kinh, làm liệt tim, tê liệt hô hấp gây tử vong trong thời gian rất ngắn.

Về tài sản: Gây hư hỏng thiết bị điện, gây cháy và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, làm gián đoạn việc cung cấp điện của lưới điện...

Biện pháp đảm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện

Nhằm đảm bảo an toàn lưới điện và phòng, tránh tai nạn điện trong nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội tuyên truyền đến các tổ chức, nhân dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội một số biện pháp đảm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện và phòng tránh tai nạn điện như sau:

1. Lắp đặt thiết bị sử dụng điện đúng cách:

Các vật liệu, dây dẫn, thiết bị điện sử dụng phải có chứng chỉ chất lượng hoặc có nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

Việc lắp đặt thiết bị sử dụng điện phải tuân thủ hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, hướng dẫn của nhà sản xuất, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn điện. Nghiêm cấm việc tự ý câu móc, đấu nối trên đường dây điện mà không có thiết kế, không do người có chuyên môn được đào tạo thực hiện;

Hệ thống đường dây điện trước khi đưa vào khai thác, sử dụng phải có đầy đủ tài liệu về thiết kế, thi công, hoàn công và các tài liệu kỹ thuật khác liên quan, tài liệu hướng dẫn sử dụng kèm theo các thông số kỹ thuật, tính năng, tác dụng và các lưu ý để hướng dẫn người sử dụng phòng tránh sự cố và tai nạn điện.

Quy trình, nội quy và biện pháp tổ chức thực hiện các quy định về an toàn điện tại cơ quan, doanh nghiệp phải trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện hiện hành;

Đối với cá nhân, hộ gia đình sử dụng điện hạ áp: Có trách nhiệm lắp đặt đường dây dẫn điện tại nơi sử dụng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Nên sử dụng các loại dây dẫn, dây cáp điện và thiết bị bảo vệ lưới điện được đơn vị điện lực khuyến cáo hoặc tư vấn lắp đặt, không nên tự ý sử dụng, lắp đặt các loại dây dẫn, thiết bị bảo vệ không rõ nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo an toàn.

Chỉ sử dụng các thiết bị điện có công suất phù hợp với tiết diện dây dẫn nhằm tránh việc gây quá tải, hư hỏng thiết bị lưới điện. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong gia đình, vị trí đặt cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm điện phải là nơi cao ráo, đảm bảo thuận tiện khi sử dụng.

Đối với những hộ gia đình có trẻ nhỏ hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước cần lưu ý đặt cao hơn nền và sàn nhà ít nhất 1,4 mét. Tuyệt đối không lắp đặt các thiết bị điện ở những nơi ẩm ướt, ngập nước, không để trang thiết bị điện phát nhiệt ở gần đồ vật dễ cháy nổ. Cần tiến hành nối đất vỏ kim loại cho các thiết bị dùng điện trong nhà như: tủ lạnh, bếp điện, máy giặt,… để phòng tránh các trường hợp chập cháy điện;

2. Lựa chọn các thiết bị đóng cắt bảo vệ phải phù hợp với công suất sử dụng, có nắp đậy che kín phần mang điện. Nên lắp thêm thiết bị chống rò điện để phòng tránh các sự cố điện nguy hiểm, đặc biệt là những vùng ngập nước. Thiết bị bảo vệ đóng cắt điện cần được lắp đặt trên dây pha, tốt nhất nên lắp đặt đồng thời cả dây pha và dây trung tính. 

3. Giữ khoảng cách an toàn với nguồn điện trong gia đình:

Không chạm vào chỗ đang có điện trong nhà như: Ổ cắm điện, cầu dao, cầu chì không có nắp đậy, chỗ nối dây, dây điện trần… để tránh bị điện giật. Khi sử dụng các công cụ điện cầm tay (máy khoan, máy mài…) phải mang găng tay cách điện để phòng ngừa điện giật khi công cụ bị rò điện.

4. Tránh sử dụng thiết bị điện khi đang sạc:

Không vừa sử dụng vừa sạc điện thoại, máy tính hoặc các thiết bị khác có nguồn sạc, khi sạc xong cần rút ra để tránh cháy nổ đồng thời gây nguy hiểm nếu gia đình nào có trẻ nhỏ có thể vô tình nghịch tới.

5. Tránh xa nơi điện thế nguy hiểm:

Giữ khoảng cách tiếp xúc xa, an toàn khi nhìn thấy các biển báo an toàn điện như: Cấm trèo, điện áp cao nguy hiểm chết người; Cấm vào, điện áp cao nguy hiểm chết người; Cấm lại gần, có điện nguy hiểm chết người; Dừng lại, có điện nguy hiểm chết người; Cáp điện lực… để tránh bị phóng điện cao áp, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

6. Không xây dựng, lắp đặt tự phát gần công trình lưới điện:

Tránh đào đất gần móng cột điện có khả năng gây lún, sụt cột. Không nên đắp đất lên cao để tránh làm giảm khoảng cách an toàn từ dây dẫn điện đến mặt đất. Tuyệt đối không được lắp đặt ăng-ten, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo, mái tôn… các vật dụng khác tại vị trí mà khi đổ, rơi sẽ va quệt vào công trình lưới điện. Đồng thời, nghiêm cấm quăng, ném, bắn bất kỳ vật gì lên đường dây điện, vào công trình điện.

7. Kiểm tra, bảo trì hệ thống đường điện:

Trong quá trình sử dụng, cần phải thường xuyên kiểm tra đường dây; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện như: cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm,… và các thiết bị sử dụng điện. Bên cạnh đó, tốt nhất hãy ngắt nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện;

Trường hợp dây dẫn điện bị đứt, tróc cách điện hay các thiết bị, đồ dùng điện bị hư hỏng cần phải thay thế hoặc sửa chữa mới được tiếp tục sử dụng. Nếu muốn tự sửa cần tuân thủ các biện pháp an toàn trong quá trình sửa chữa điện hoặc liên hệ với thợ sửa điện chuyên nghiệp để được giúp đỡ;

Với tổ chức cần thiết lập hồ sơ, lý lịch, tài liệu kỹ thuật liên quan đến thiết bị điện và tổ chức quản lý theo quy định. Tại các vị trí vận hành phải có đầy đủ các quy trình về vận hành thiết bị, xử lý sự cố điện, sơ đồ lưới điện, nội quy phòng cháy chữa cháy, trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, biển cấm, biển báo và các dụng cụ phương tiện cá nhân khác.

Bố trí người lao động làm công việc liên quan đến vận hành, sửa chữa đường dây, thiết bị điện phải được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ thuật đúng yêu cầu ngành nghề, được huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện. Các thiết bị, dụng cụ điện phải được quản lý, kiểm định an toàn theo đúng quy định của pháp luật.

8. Khi ngập nước, trời mưa to, có sấm sét:

Cần phải nhanh chóng tách cáp an-ten ra khỏi tivi để tránh sét lan truyền, rút phích cắm, ngắt điện các thiết bị như: tivi, máy tính,… Nếu bị ngập nước, mưa bão làm tốc mái, đổ tường,… hãy cắt cầu dao điện để đảm bảo an toàn. Cần đi ủng cách điện khi tiến hành đóng mở cầu dao của bảng phân phối điện. Tay ướt hoặc nhiều mồ hôi thì không được phép đóng mở cầu dao.

9. Người lao động làm công việc xây lắp, sửa chữa đường dây, thiết bị điện phải được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ thuật đúng yêu cầu ngành nghề, được huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện theo quy định pháp luật; trong quá trình làm việc phải tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn, tuân thủ nội quy làm việc và sử dụng trang bị đầy đủ bảo hộ theo quy định.

PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang