Bộ Công Thương: Trong mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu

author 15:47 04/08/2021

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương đặt ra ba nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Tiếp đến, nhiệm vụ thứ hai mà ngành Công Thương đặt ra là vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiệm vụ thứ ba là duy trì mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 4-5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu.

Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, đây tiếp tục là dấu hiệu lạc quan, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng. Thời gian tới, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều dư địa để tăng trưởng, khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh có thể bùng phát mạnh hơn trong thời gian tới, do vậy lãnh đạo Bộ yêu cầu, bên cạnh việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, các đơn vị chức năng phải chú trọng thêm về nhiệm vụ giữ vững sản xuất công nghiệp, duy trì hoạt động xuất khẩu.

Cung ứng hàng hóa thiết yếu là một trong ba nhiệm vụ cấp bách được Bộ Công Thương đặt ra

 Cung ứng hàng hóa thiết yếu là một trong ba nhiệm vụ cấp bách được Bộ Công Thương đặt ra.

Bộ Công Thương yêu cầu các Cục, Vụ chức năng phải nỗ lực thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ Công Thương giao phó. Cùng với đó, làm tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ Công Thương.

Về việc cung ứng hàng hóa, lãnh đạo Bộ giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của Tổ công tác tiền phương, không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía Nam mà phải mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, đề nghị Vụ Thị trường trong nước phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh. Đồng thời nhấn mạnh, trong mọi tình huống, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Đối với nhiệm vụ sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương giao Cục công nghiệp làm đầu mối, làm việc với các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nắm bắt được những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp, chế xuất… từ đó có những giải pháp, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phải có những biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách cho các địa phương đang có nông sản vào thời vụ thu hoạch. Trong đó, ưu tiên tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Với lĩnh vực thương mại điện tử, theo Bộ Công Thương đây là phương thức rất quan trọng và là xu thế tất yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Vì vậy, Bộ đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phát huy hơn nữa hiệu quả của phương thức này.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối, nắm bắt các nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu để kịp thời đề ra những giải pháp, tham mưu các chính sách phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Đối với các đơn vị khác như: Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ… cần tăng cường sự phối hợp, bám sát các thị trường xuất khẩu để có thông tin về thị trường, từ đó có giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông sản.

 Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang