Đại dịch Covid-19 chứng minh tầm quan trọng đặc biệt của nghiên cứu khoa học

author 16:29 20/09/2021

(VietQ.vn) - Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự theo đuổi phát triển khoa học, bởi muốn giải quyết được cuộc khủng hoảng y tế này cần có sự hỗ trợ và hợp tác khoa học giữa các cơ quan, ban ngành của chính phủ và các cộng đồng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nghiên cứu vaccine ngay sau khi bộ gene của virus SARS-CoV-2 được giải trình tự. Các tạp chí khoa học cũng tiếp bước nhau công bố phân tích dữ liệu với tốc độ ấn tượng. Các bác sĩ lâm sàng của bệnh viện tích cực hợp tác với các viện nghiên cứu và công ty để tăng tốc độ phát triển thuốc điều trị Covid-19.

Thậm chí, theo Báo cáo Khoa học năm 2021 của UNESCO, mức độ chi tiêu của các quốc gia cho hoạt động thực hành khoa học còn tăng cao trên toàn thế giới từ trước khi đại dịch nổ ra. Báo cáo được xuất bản 5 năm một lần này tổng hợp dữ liệu từ 193 quốc gia và được đánh giá như một "phong vũ biểu" (khí áp kế) cả về mức độ hỗ trợ cho nỗ lực khoa học và các lĩnh vực nghiên cứu chính.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018, chi tiêu cho nghiên cứu trên toàn thế giới tăng 19,2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu (14,8%). Lượng đầu tư tăng thêm đó có nghĩa là tỷ trọng GDP chi cho nghiên cứu tăng trung bình từ 1,73% lên 1,79%. Phần lớn sự tăng trưởng đến từ một quốc gia. Nhằm giành được ưu thế khoa học trước Mỹ, Trung Quốc đã tăng chi tiêu từ 135 tỷ USD năm 2008 lên 439 tỷ USD vào năm 2018.

Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển khoa học của Mỹ, EU và Trung Quốc. Trong đó, lượng chi tiêu của Trung Quốc tăng vọt hơn hẳn. Ảnh: The Economist

Khoảng 9/10 chi tiêu cho nghiên cứu, sản lượng và nhân sự đến từ các nước G20; 4/5 tổng số các nước chi chưa đầy 1% GDP cho nghiên cứu. Ở mức 4,9%, Israel đầu tư nhiều nhất vào nghiên cứu và phát triển tính theo tỷ trọng GDP của bất kỳ quốc gia nào. Báo cáo cũng tính đến các báo cáo khoa học, tăng 21% trên toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2019. Cụ thể, Liên minh châu Âu (28,6%), Trung Quốc (24,5%) và Mỹ (20,5%) đảm đương phần lớn công việc này. Dẫu vậy, các nước đang phát triển cũng tăng sản lượng báo cáo khoa học lên 71%.

Phần lớn sự tăng trưởng tập trung trong một danh mục rộng lớn là trí tuệ nhân tạo và người máy. Danh mục này là chủ đề của 147.806 ấn phẩm vào năm 2019, tăng từ con số 109.521 năm 2011. Những công nghệ này ngày càng được sử dụng nhiều ở các nước phát triển và được coi là "liều thuốc giải" cho tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa.

Đặc biệt, Nhật Bản còn coi robot là trung tâm trong tương lai, sử dụng máy bay không người lái để giao hàng, dùng "robot nông nghiệp" để làm việc trên cánh đồng và máy hình người để hỗ trợ trong các trại dưỡng lão. Trong thế giới đang phát triển, một bối cảnh nghiên cứu rất khác đã xuất hiện, chịu sự chi phối của mối đe dọa biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực ngăn chặn các thảm họa môi trường, các nước nghèo tập trung nhiều hơn vào tính bền vững. Những nước như Guyana và Senegal đã bắt đầu đầu tư vào một số nguồn năng lượng tái tạo bằng các nguồn thu từ khai thác nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay, họ chủ yếu dựa vào công nghệ và chuyên môn của nước ngoài.

Sự hợp tác khoa học quốc tế thể hiện rõ ràng nhất ở các lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu. Chủ đề phát triển nhanh nhất trong số 56 chủ đề nghiên cứu được UNESCO xác định trong báo cáo là về loại bỏ các mảnh vụn nhựa trôi nổi trên đại dương. Trong năm 2011, chỉ có 46 đề tài xem xét vấn đề này nhưng tới năm 2019, con số đã lên đến 853. Cây trồng thích ứng với khí hậu là chủ đề phát triển nhanh thứ hai, được thúc đẩy bởi nghiên cứu ở các nước có thu nhập thấp. Vào năm 2011, chỉ có 4,5% nghiên cứu về chủ đề này nhưng vào năm 2019, tỷ lệ đã tăng lên 11,4%.

Báo cáo của UNESCO là tín hiệu cho thấy nghiên cứu khoa học có thể không còn được coi là một ưu tiên lớn trong ngân sách của các quốc gia (mặc dù mức chi tiêu vẫn gia tăng). Vì vậy, tác tác giả kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn và chiến lược hơn vào nghiên cứu, bằng cách khuyến khích sự đổi mới trong khu vực tư nhân. Theo họ, đầu tư và tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang tăng lên nhưng “khoa học bền vững vẫn chưa phải là chủ đạo trong xuất bản học thuật”.

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (tính theo phần trăm GDP) ở các nước và vùng được lựa chọn tham gia khảo sát. Ảnh: The Economist

Đại dịch Covid-19 chứng tỏ thế giới hoàn toàn có thể đạt được những bước nhảy vọt khi cộng đồng khoa học tập trung sự chú ý vào một vấn đề. Không nên tiêu tán năng lượng có được từ đại dịch, và cần đặt một trọng tâm tương tự vào mục tiêu giải quyết biến đổi khí hậu.

Được biết, Báo cáo Khoa học năm 2021 của UNESCO có tựa đề “Chạy đua với thời gian để phát triển thông minh hơn”, thể hiện kinh nghiệm của các nước về chuyển đổi kỹ thuật số kép và chuyển đổi thân thiện môi trường để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Báo cáo dài 762 trang, được thực hiện trong thời gian hơn 18 tháng bởi 70 tác giả từ 52 quốc gia. Đây là tài liệu được xuất bản 5 năm một lần để xác định các xu hướng đương thời trong quản trị khoa học.

Các tác giả nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự theo đuổi phát triển khoa học, bởi muốn giải quyết được cuộc khủng hoảng y tế này cần phải có sự hỗ trợ và hợp tác khoa học giữa các cơ quan, ban ngành của chính phủ và các cộng đồng, đồng thời cần phải có các hệ thống khoa học mở, tính đến một tiến trình khoa học toàn diện, dân chủ và minh bạch hơn.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang