Đảm bảo chất lượng hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

author 16:07 10/02/2025

(VietQ.vn) - Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) đã phối hợp cùng Ban Pháp chế - Thanh tra và các đơn vị trực thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thành lập đoàn khảo sát về đo lường, đánh giá chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với các mặt hàng mũ bảo hiểm; xăng dầu; hàng đóng gói sẵn lưu thông trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang và An Giang vào cuối năm 2024 vừa qua.

Qua khảo sát nhãn hàng hóa của 170 mẫu, phần lớn các mẫu hàng hóa được khảo sát đều được các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thể hiện thông tin trên nhãn phù hợp theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn một số mẫu hàng hóa chưa đáp ứng quy định về việc ghi nhãn (nhãn thiếu nội dung như: năm sản xuất/xuất xứ,..). Do đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp hiểu rõ các quy định của pháp luật để thực hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.

Trong quá trình triển khai, Đoàn khảo sát đã mua 15 mẫu (12 mẫu mũ bảo hiểm, 03 mẫu xăng dầu) và các mẫu đã được mã hóa để gửi thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng tại Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3; kết quả có 05 mẫu mũ bảo hiểm và 01 mẫu xăng dầu trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang và An Giang có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, các mẫu hàng hóa còn lại có kết quả thử nghiệm phù hợp theo quy định.

Với những mẫu hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) sẽ báo cáo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và thông tin đến các đơn vị có liên quan (Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố) nắm tình hình, có kế hoạch quản lý các sản phẩm, hàng hóa này trong sản xuất và kinh doanh; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên thị trường cũng như tuyên truyền với doanh nghiệp và người dân các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhằm hạn chế các hành vi kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Mặt khác, để đảm bảo đo lường, chất lượng hàng hóa và tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, các cá nhân, tổ chức kinh doanh cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh, và cần cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng và sự an toàn cho sức khỏe cho bản thân, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chọn nơi mua hàng uy tín, góp phần tạo dựng một xã hội tiêu dùng an toàn và văn minh.

Thanh Lịch (Ban Pháp chế - Thanh tra)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang