Đập Sông Tranh: Bộ nói an toàn, tỉnh vẫn lo

author 00:00 29/03/2012

"Sự cố thấm nước ở đập Sông Tranh đang được khẩn trương khắc phục. Đập chắc chắn ổn định, an toàn và chúng tôi chịu trách nhiệm về tuyên bố của mình", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định như vậy trong cuộc họp báo chiều 28/3. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đoàn Văn Thu, địa phương này vẫn chưa hết lo lắng.

"Chắc chắn an toàn, ổn định"

Chiều 28/3, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về sự cố đập sông Tranh 2. Các thông tin từ cuộc họp đều cho thấy diễn biến xử lý chống thấm nước đập này khá lạc quan.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thừa nhận, việc thấm nước từ thượng lưu ra mái đập xuống hạ lưu sông Tranh 2 là không được phép, theo thiết kế của dự án.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo rất tích cực Nhà máy thủy điện sông Tranh 2 khẩn trương hạn chế thấm nước, thu gom nước, bước đầu đã có kết quả hữu hiệu.

Tại thời điểm kiểm tra trước đây, lượng nước thấm qua thân đập khoảng 30 lít/giây, nhưng tính đến sáng 28/3, lưu lượng nước chảy về hạ lưu thoát ra từ đập đã giảm đáng kể, thì chỉ còn 7-8 lít/giây.

Ông Vượng khẳng định đập Sông Tranh an toàn
Ông Vượng khẳng định đập Sông Tranh an toàn

Thứ trưởng Vượng bày tỏ, dự kiến hết tháng 3, các đơn vị sẽ xử lý chấm dứt triệt để tình trạng thấm nước qua các khe nhiệt của đập ra hạ lưu. Thời hạn muộn nhất là sẽ cố gắng hoàn thành trước 15/4. Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành các giải pháp xử lý thấm tổng thể nhằm giảm lưu lượng thấm về nhỏ nhất có thể, chắc chắn sẽ xong trước mùa lũ 2012, tức 31/7/2012".

"Rõ ràng nếu tiếp tục để nước chảy về hạ lưu như vừa qua, về lâu dài sẽ ảnh hưởng độ bền của bê tông, làm nới rộng của khe nhiệt. Vì vậy, chúng tôi đang rất khẩn trương khắc phục để dòng thấm chảy về hành lang thoát nước chứ không về hạ lưu", Thứ trưởng Vượng nói tiếp.

Sau khi triển khai các biện pháp chống thấm, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá toàn diện về tình trạng đập sông Tranh 2, đảm bảo công trình vận hành đúng thiết kế.

Ông Vượng một lần nữa khẳng định lại thông tin: Qua giám sát tại công trường, ngoài các khe nhiệt, chưa phát hiện các vết nứt trên thân đập kể cả khi quan sát bên ngoài hay từ phía trong.

"Điều này cho phép khẳng định rằng, đập thủy điện sông Tranh 2 vẫn an toàn, ổn định. Chắc chắn không xảy ra sự cố nào làm nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân sống ở vùng hạ lưu sông Tranh", ông Vượng nói.

Đặc biệt, Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh: "Khi đã khẳng định đập sẽ an toàn, ổn định, chúng tôi chịu trách nhiệm về tuyên bố này của mình. Điều này cũng không có nghĩa là chúng tôi chủ quan. Các giải pháp khắc phục đang được triển khai rất tích cực".

Tuy nhiên, ông Vượng cũng rất thận trọng khi đưa ra các cam kết về độ an toàn của đập. Ông phân bua: "Khi xây dựng một công trình, trong mọi trường hợp, chúng tôi đều nói phải đảm bảo độ an toàn cao nhất theo quy định. Còn đòi hỏi đảm bảo độ an toàn tuyệt đối thì không ai dám nói. Việc này cũng giống như xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Như điện hạt nhân khi xây dựng, không ai dám nói là đảm bảo an toàn tuyệt đối".

Về nguyên tắc, tất cả các dự án thủy điện của Việt Nam đều có phương án phòng chống thiên tai, bão lũ, động đất.

Một điều đáng lưu tâm khác được chính ông Hoàng Quốc Vượng thừa nhận, sự cố thấm nước ở đập sông Tranh 2 không phải trường hợp đầu tiên. Trước đây, tình trạng tương tự đã xảy ra ở thủy điện Plei krong. Khi đó, đập này đã bị thấm nước với lưu lượng 25lít/giây, là tương đối lớn so với cho phép của thiết kế. Chủ đầu tư, nhà thầu đã xử lý bằng khoan bê tông. Sau một mùa lũ, lưu lượng nước thấm vào hành lang đập Pleikrong giảm chỉ còn có 3 lít/giây, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Cho đến nay, đập đang vận hành an toàn và ổn định.

Như vậy, Việt Nam đã xây dựng 14 đập bê tông đầm lăn tương tự và sự số thấm nước đã xảy ra ở 2 đập.

Chưa vội mời chuyên gia độc lập

Mặc dù đã có nhiều ý kiến các nhà khoa học khuyến cáo, cần lấy mẫu kiểm tra lại chất lượng bê tông đập thủy điện sông Tranh, cũng như cần mới các chuyên gia độc lập vào thẩm định công trình, song ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình, Bộ Xây dựng, đồng thời là thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về các dự án đầu tư xây dựng vẫn cho rằng, việc này là chưa cần thiết.

Ông lý giải: Chắc chắn bê tông đập phải có khuyết tật nào đó mới có thấm nước vào. Dạng phổ thông nhất là có thể bị tách. Lý do có thể là do nước không được chặn hữu hiệu nên đã chảy xuống hạ lưu qua thân đập, hoặc do chất lượng bê tông. Điều này liên quan đến cường độ bê tông.

Đập sông tranh bị thấm nước
Đập sông tranh bị thấm nước

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cứ khi xuất hiện thấm nước là ngay lập tức phải khoan mẫu kiểm tra. Vì trong toàn bộ quá trình thi công đập, việc thử nghiệm mẫu bê tông và lõi bê tông đều đã được thực hiện thường xuyên, có đối chứng.

Theo phân tích của ông Hùng, cần phải bình tĩnh xem xét hiện trạng, nguyên nhân để có thể đặt giả thiết nghi vấn vào chất lượng, cường độ bê tông hay không. Ví dụ, nếu thấm nước chỉ xảy ra ở khe nhiệt thôi, tức là cường độ bê tông không chịu tác động thay đổi nên sẽ không cần phải khoan lấy mẫu.

Ông Hùng khẳng định: "Vấn đề cốt yếu là khi xảy ra sự cố, cần có đánh giá tức thời ngay là công trình có nguy hiểm không, có cần di dời không. Câu trả lời ở đây là bình thường, đảm bảo an toàn. Do đó, việc kiểm tra, đánh giá lại công trình ra sao cần có một quá trình. Điều này cũng không có nghĩa là chúng tôi sẽ không tiến hành các bước kiểm tra đầy đủ sau".

Trả lời câu hỏi liệu có mời chuyên gia độc lập vào cùng đánh giá hay không, ông Lê Quang Hùng cho hay: "Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã làm việc 15 năm, có hàng trăm chuyên gia. Chúng tôi hoan nghênh ý kiến của các chuyên gia độc lập, nhưng tiếp thu sẽ theo trình tự".

"Hiện giờ, chúng tôi phải để chủ đầu tư tự khắc phục, xử lý trước đã, rồi sau đó, có hội đồng tư vấn góp ý sau. Nếu chưa xong, mà đưa người bên ngoài vào, mỗi người bình luận một kiểu, sẽ không đi đến đâu cả", ông Hùng nói tiếp.

Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm đến cùng về mọi vấn đề chất lượng công trình. Nếu xảy ra vấn đề gì thì những đơn vị này phải có trách nhiệm xử lý đầu tiên.

Chưa quy trách nhiệm cụ thể

Một vấn đề khác được dư luận quan tâm, ai sẽ chịu trách nhiệm và có thể bị kỷ luật khi xảy ra sự cố đập sông Tranh 2, ông Vượng chỉ cho biết, chủ đầu tư dự án là EVN, ban quản lý dự án thủy điện 3 trực tiếp quản lý. Giờ, một nhà máy chất lượng tốt hay không, đầu tiên phải nói tới chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi có hiện tượng bất thường xảy ra, phải nghiên cứu nguyên nhân tại sao, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp khắc phục. Rồi từ hậu quả đó mà làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Giải thích như vậy nên hiện nay, Bộ Công Thương cũng chưa thể quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân nào ở vụ việc này.

Quảng Nam vẫn chưa hết lo lắng

Trước các lý giải của Bộ Công Thương và Cục giám sát chất lượng công trình, ông Đoàn Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam, vẫn băn khoăn: "Nhân dân Quảng Nam, chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là các việc liên quan vừa qua như động đất kích thích rồi lại có vụ thấm nước qua hạ lưu đập Sông Tranh 2. Hai sự kiện này có liên quan tới nhau hay không, nhưng chúng tôi thấy các diễn biến đều có logic với nhau. Lo lắng của người dân Quảng Nam là đúng.

Các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học phải có sự thống nhất về sự cố đập sông Tranh. Trên phương tiện thông tin đại chúng là chưa có sự thống nhất. Hôm nay ngồi đây, các cơ quan chuyên môn đánh giá như vậy, nhưng ngay mai, các nhà khoa học có thể nói khác.

Chúng tôi cần sớm có đánh giá chính thức bằng văn bản của cơ quan chịu trách nhiệm về việc này để tỉnh Quảng Nam tuyên truyền cho nhân dân trong tỉnh hiểu vấn đề.

Thứ hai, chúng tôi cần có đánh giá một cách tổng thể lại, xem xét lại toàn bộ công trình đập Sông Tranh 2 để có một giải pháp căn cơ hơn, xử lý các tình huống liên quan, trong đó có vấn đề động đất, làm sao đảm bảo công trình an toàn chắc chắn".

Theo VEF

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang