Đẩy mạnh hoạt động đo lường khoa học và công nghiệp đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam

author 11:24 19/01/2024

(VietQ.vn) - Việt Nam đang chứng kiến một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực đo lường khoa học và công nghiệp. Nâng cao chất lượng và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế không thể xa rời tiêu chuẩn chất lượng.

Đề án 996 về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10 tháng 8 năm 2018 đã mở ra những triển vọng mới trong việc nâng cao chất lượng và cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị nội địa cũng như quốc tế.

Trong những năm qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã cùng với các doanh nghiệp, sở khoa học công nghệ và các Chi cục TCĐLCL đẩy mạnh nhiều hoạt động chuyên môn. Ông Trần Quý Giầu - Vụ Trưởng Vụ Đo lường cho biết, các đơn vị đang thực hiện tốt về đo lường pháp định, bên cạnh đó đo lường về khoa học và đo lường về ứng dụng mang tính chất tự nâng cao độ chính xác của các doanh nghiệp, để đảm bảo việc sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua tự đảm bảo cũng có những phát triển đáng lưu tâm.

Ông Trần Quý Giầu - Vụ trưởng Vụ Đo lường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh H. Vân

Theo số liệu của Viện Đo lường đã có 56 bộ ngành trên cả nước đã thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai đề án 996, trong đó Thái Nguyên là địa phương triển khai rất tốt, đặc biệt trong việc triển khai về chương trình đảm bảo đo lường. Vừa qua tỉnh Thái Nguyên vừa hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng chương trình đảm bảo đo lường, kết quả các doanh nghiệp được chấp nhận công bố dấu định lượng V, hàng đóng gói sẵn: ghi nhãn, định lượng,...

Theo đó, các sản phẩm có dấu định lượng là sản phẩm đã được cơ quan giám sát, đúng trình tự thủ tục. Do đó người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm mua và sử dụng sản phẩm. Thực tế các nước châu Âu khi mua những thanh socola và chai rượu,... có dấu E = 100ml, E = 100g,... đấy chính là những dấu định lượng. Còn tại Việt Nam, trong Thông tư 21/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực ngày 30 tháng 8 năm 2014 Quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn đã thể hiện rõ, dấu định lượng là dấu V.

Tiếp nữa, vừa qua Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức đào tạo được 280 cán bộ làm về đo lường có thể áp dụng, xây dựng chương trình đảm bảo đo lường. Trong đó, có 65 chuyên gia được công nhận mã số chuyên gia. Đến nay đã có 22 doanh nghiệp trên cả nước xây dựng, áp dụng chương trình đảm bảo đo lường. Trong đó kiểm định hiệu chuẩn là 223.000 phương tiện đo thông qua đảm bảo đo lường cho khoảng 2647 doanh nghiệp trên cả nước. Số tiền huy động trong lĩnh vực đảm bảo đo lường đến hiện tại ước tính 11 tỷ. Đây là những kết quả nổi bật trong việc thực hiện đề án 996 về đo lường.

Trong thời gian tới, đề án sẽ tập trung vào những khía cạnh chi tiết và toàn diện hơn. So sánh liên phòng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu, giúp doanh nghiệp không chỉ tự cải thiện mà còn có thể so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, sản xuất chất chuẩn cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng, giúp Việt Nam giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung chất chuẩn từ nước ngoài. Muốn đất nước giàu mạnh hơn chúng ta cần làm chủ được việc sản xuất chất chuẩn ở đây vai trò của Viện Đo lường và các trung tâm lớn cụ thể là Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 (QUATEST 3) là rất quan trọng dự tính trong năm nay sẽ sản xuất 10 chất chuẩn, hướng đến việc không chỉ cung cấp chất chuẩn trong nước mà còn xuất khẩu nếu đáp ứng được tiêu chuẩn TCVN ISO 17034:2017 (ISO 17034:2016) Yêu cầu chung về năng lực của nhà sản xuất mẫu chuẩn (năm 2017). Điều này là hoàn toàn khả thi vì khi chúng ta đã hài hòa đã hài hòa với quốc tế và được công nhận bởi các tiêu chuẩn quốc tế, việc xuất khẩu ra nước ngoài là có cơ sở.

Bên cạnh đó là thực hiện việc duy trì các chuẩn chính, theo Quyết định 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vê phê duyệt "Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030" ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2023, điều này sẽ giữ cho hệ thống đo lường của Việt Nam luôn đồng bộ và đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ.

Đồng ý với quan điểm nói trên, bà Ngô Thị Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam (VMI) cho rằng, Tổng cục đã giao cho VMI và QUATEST 3 trong những năm tới đây sẽ thực hiện được việc sản xuất chất chuẩn, về phía VMI ngoài việc khảo sát cả trong nước và quốc tế đã được thực hiện trong những năm vừa qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sản xuất trong phòng thí nghiệm. Nhưng việc thương mại hóa vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất và con người VMI tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bước tiến của Việt Nam trong lĩnh vực đo lường khoa học và công nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Đề án này không chỉ là cơ hội để Việt Nam thể hiện sự chín chắn và tự tin trước thách thức quốc tế mà còn là động lực quan trọng cho sự đổi mới và hiện đại hóa toàn diện.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang