Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS

author 06:34 10/11/2020

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ nhiệm vụ “Nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chứng nhận sản phẩm theo các Chương trình chứng nhận CE-marking, UL, RoHS” do Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) triển khai, một số giải pháp đề xuất hỗ trợ chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS đối với doanh nghiệp Việt Nam đã được đề cập.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Giải pháp về cơ chế chính sách

Hiện nay Việt Nam đã ký hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, BTA,VKFTA… vì vậy để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trong nước trong quá trình chứng nhận CE- marking, UL, RoHS cần một số giải pháp như sau:

Các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về hiệp định EVFTA, BTA cho doanh nghiệp thông qua cổng thông tin và khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu.

Cập nhật hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với các yêu cầu hiện nay của EU, Mỹ, Hàn Quốc… để làm cơ sở cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn thông tin về chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng yêu cầu về sản phẩm theo quy định.

Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu kết hợp với các tổ chức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong nước để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường như EU, Mỹ, Hàn Quốc… Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học trên thế giới thông qua liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước như các viện, các trường đại học hoặc các tổ chức nghiên cứu độc lập trong nước và quốc tế.

Cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS khi tham gia thị trường quốc tế.

Liên kết hệ thống tiêu chuẩn trong nước với quốc tế thông qua kí kết các văn bản ghi nhớ, kế hoạch hành động để có thể tiếp cận các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, từ đó có thể hỗ trợ các tổ chức trong nước có được nguồn tài liệu phù hợp để xây dựng tiêu chuẩn phù hợp từng yêu cầu về sản phẩm.

Khuyến khích các tổ chức chứng nhận phù hợp và thử nghiệm trong nước ký kết các văn bản ghi nhớ, kế hoạch hành động phù hợp để tận dụng nguồn hỗ trợ từ nước ngoài như: đào tạo nguồn nhân lực, tài trợ/ viện trợ trang thiết bị thử nghiệm, thừa nhận kết quả chứng nhận giữa các quốc gia để chứng nhận sản phẩm hàng hóa trong nước được chấp nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tiếp tục triển khai chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Việc hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp thông qua chương trình quốc gia đã giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được nhiều thông tin, cơ sở và đưa ra được các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn không chỉ về kinh tế, mà còn cả các thông tin về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm liên quan. Thông qua chương trình quốc gia, doanh nghiệp có thể đưa ra các ý kiến của mình về nhu cầu và định hướng phát triển và các cơ quan quản lý có thêm cơ sở để nắm rõ tình hình thực tiễn đang diễn ra của các doanh nghiệp trong nước.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Từ góc độ thực hiện nghiên cứu, khảo sát và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chứng nhận CE-Marking, UL, RoHS như sau:

Để hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp trong nước về thử nghiệm sản phẩm thì các tổ chức thử nghiệm trong nước cần nâng cao chất lượng thông qua các chương trình đào tạo, liên kết không chỉ trong nước mà còn tận dụng nguồn lực từ nước ngoài. Điều này đòi hỏi các tổ chức thử nghiệm trong nước cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lưc, hệ thống máy móc, xây các phương pháp thử nghiệm phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn thông qua trao đổi và hợp tác với doanh nghiệp. Từ đó, đảm bảo các phương pháp thử nghiệm trong nước có thể đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, của đối tác nước ngoài từ đó giảm thiểu các chi phí đưa vào sản phẩm.

Doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng

Các tổ chức đánh giá chứng nhận phù hợp trong nước cũng cần bắt kịp nhu cầu chứng nhận của doanh nghiệp trong nước, từ đó cung cấp các sản phẩm chứng nhận phù hợp phù hợp theo yêu cầu của thông lệ quốc tế. Các tổ chức đánh giá chứng nhận phù hợp cần triển khai việc chấp nhận các chứng nhận do tổ chức mình cung cấp có thể lưu thông trên toàn thế giới, khu vực hoặc một số quốc gia. Để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, hàng năm các tổ chức chứng nhận cần trao đổi với doanh nghiệp về sự thay đổi của các giấy chứng nhận, phương thức đánh giá sự phù hợp, đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tầm quan trọng về tuân thủ các rào cản kĩ thuật về chất lượng sản phẩm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tốt thì vai trò của hiệp hội doanh nghiệp cần phải được nâng cao hơn về chất lượng, tham gia sâu rộng trong quá trình đánh giá và cung cấp báo cáo nhu cầu thị trường, tham gia trong mọi quá trình của sản xuất cũng như hỗ trợ cho hội viên hiệp hội trong tiếp cận các nguồn lực. Do hiện nay, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, hội viên Hiệp hội gặp không ít khó khăn không chỉ trong vấn đề sản xuất, phân phối mà quan trọng hơn là vấn đề về chính sách, pháp lý. Để khắc phục các điểm yếu này, tạo nền tảng tốt cho sự hội nhập sâu rộng trong tương lai, cần sự phối hợp với các tổ chức chuyên môn như VCCI và VIAC là yêu cầu cần thiết. Từ đó cần sớm có cơ chế phối hợp với cách thức rõ ràng giữa các bên, nhằm hỗ trợ cho các hội viên các hiệp hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt nam nói chung một cách hiệu quả và tốt nhất. Đặc biệt, các hiệp hội cần tận dụng các nguồn lực nội tại của các bên tham gia, đồng thời khai thác tối đa các nguồn lực xã hội bên ngoài như sự hỗ trợ các dự án tài trợ của quốc tế cho Việt Nam để thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho thành viên hiệp hội.

Doanh nghiệp chủ động đào tạo nguồn nhân lực để có thể đáp ứng các yêu cầu mới về chất lượng sản phẩm thông qua cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo về tiêu chuẩn đo lường chất lượng liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp. Chủ động xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bám sát với hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thông qua liên kết với các tổ chức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với các văn bản liên quan tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vì đây chính là cơ sở để nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần triển khai các dự án đầu tư về trang thiết bị của doanh nghiệp, tận dụng các nguồn tài trợ, viện trợ từ nước ngoài từ thông qua kí kết hợp tác song phương. Bên cạnh đó, thực hiện nghiên cứu, cải tiến trang thiết bị sẵn có để phục vụ sản xuất phù hợp với yêu cầu sản xuất xuât khẩu hàng hóa. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự đầu tư bài bản về nguồn nhân lực cũng như vật lực. Thông qua xây dựng các dự án start-up doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính để giải quyết bài toán đầu tư ban đầu của doanh nghiệp. Thông qua các kênh về trao đổi ý tưởng kinh doanh, sàn giao dịch ý tưởng trong nước và quốc tế, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn thông tin, cơ sở nghiên cứu để hoàn thiện các sản phẩm của doanh nghiệp. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa.

Giải pháp khác

Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng

Xây dựng, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định. Tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên năng suất chất lượng. Mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo của Tổ chức Năng suất Châu Á và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng

Theo đó, đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp. Tổ chức, triển khai các hình thức thông tin truyền thông để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng.

Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu chuẩn đối sánh và thực hành tốt về năng suất để phục vụ doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu liên quan khác. Tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng chất lượng quốc gia.

Đề xuất nhóm giải pháp phát triển dịch vụ tư vấn

Qui định và chính sách cụ thể về hỗ trợ, đào tạo cho các công ty tư vấn và chuyên gia tư vấn (Chính sách sử dụng chuyên gia tư vấn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn, qui định về quyền và nghĩa vụ của nhà tư vấn, chính sách đào tạo chuyên gia tư vấn, chính sách hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa mũi nhọn hoặc có lợi thế cạnh tranh, chính sách đa dạng hóa sở hữu, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia hoạt động tư vấn, chính sách tài chính hỗ trợ phát triển dịch vụ tư vấn...); Chuyên môn hóa các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn; Đa dạng hóa hình thức tư vấn; Hình thành và phát triển mạng lưới tư vấn; Các tổ chức tư vấn Nhà nước phải đóng vai trò quyết định trong hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, làm trọng tài…

Chứng nhận sản phẩm: ‘Hộ chiếu thương mại’ giúp hàng hóa xuất khẩu vượt rào kỹ thuật (VietQ.vn) - Hàng rào kỹ thuật từ các thị trường Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang đặt ra thách thức mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

TS. Bùi Bá Chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang