Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ nhất - năm 2023

author 14:53 08/08/2023

(VietQ.vn) - Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức đã diễn ra hôm nay tại Hà Nội.

Với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”, Diễn đàn thu hút gần 300 khách tham dự trực tiếp là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công chúng đầu tư. Đồng thời, Diễn đàn thu hút lượng lớn người xem trực tuyến trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư cũng như các nền tảng mạng xã hội với hơn 220.000 thành viên.

 Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực UBKT của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư tại Diễn đàn (ảnh lần lượt từ phải qua trái)

Tại hai phiên thảo luận chuyên sâu, các diễn giả tham dự Diễn đàn cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ, những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này, hỗ trợ không chỉ hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển.

Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, niềm tin người tiêu dùng hết chuyển từ nóng sang lạnh rồi lại ấm lên. Giá cả các loại hàng hóa chủ chốt biến động một cách khó đoán định. Thị trường tài chính đang vẫn có thể bị dội những gáo nước lạnh đột ngột trong cơn vui đang được nhen nhóm trở lại…

Môi trường đó giống như một dòng xoáy buộc các nhà đầu tư, kinh doanh phải ngụp lặn để truy tìm cơ hội – những cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi có nhiều thêm những biến số phức tạp và khó giải mã. Những câu hỏi như lớp tài sản nào nên ưu tiên đầu tư? Đâu là những xu hướng đầu tư đang nổi lên thu hút sự chú ý khi mà kỷ nguyên tiền rẻ đã qua đi? Những nhóm ngành nào sẽ vượt lên trong thời gian sắp tới? Nhóm tài sản nào sẽ thể hiện tốt trong các kênh giao dịch, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển… sẽ khó trả lời hơn trong một môi trường đầu tư đã thiết lập trạng thái mới nhưng không hề dễ thích ứng bởi sự xuất hiện của những vấn đề tinh vi, phức tạp và chưa từng có tiền lệ. 

Nhìn về nửa cuối năm, nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế như thể chế, pháp lý, môi trường kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, kinh tế thế giới nửa cuối năm vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường. Thị trường tài chính toàn cầu tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định đang làm khó các nhà đầu tư. Trong bối cảnh này, lên kế hoạch phân bổ vốn đầu ra ra sao, bỏ tiền vào tài sản nào, lựa chọn phân khúc nào, đầu tư vào nhóm ngành nào, cổ phiếu nào… luôn là câu hỏi làm đau đầu nhà đầu tư”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn nói.

 Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư

Ở góc độ lạc quan hơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

"Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định và cho rằng, Chính phủ cũng đã tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư…, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong đó, có thể kể đến Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này đã tháo gỡ về mặt pháp lý, góp phần quan trọng ổn định niềm tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp nhiều doanh nghiệp phát hành mới, đàm phán với nhà đầu tư kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển đổi khoản nợ sang tài sản khác.

 Quang cảnh Diễn đàn.

Một số vướng mắc nhiều năm của dự án, doanh nghiệp bất động sản về cấp giấy chứng nhận, nộp tiền sử dụng đất, giao đất cũng được tháo gỡ. Và mới đây nhất, là Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành để giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với diễn biến lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, điều hành tỷ giá linh hoạt, bảo đảm ổn định thị trường ngoại hối và cân đối cung - cầu ngoại tệ.

 
Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam năm 2023 gồm 2 phiên chính: Với chủ đề “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội”. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh Doanh nghiệp Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 30 đơn vị, đó là các tổ chức đã có nhiều đóng góp thông qua các chiến lược phát triển các dịch vụ tài chính vì cộng đồng, cũng như tham gia công tác chuyên môn, tổ chức cho Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ nhất - năm 2023.
 

Cùng với đó, trong bối cảnh dư địa chính sách còn lớn, khi lạm phát đang được kiểm soát tốt, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, nới lỏng hơn, mở rộng hơn với định hướng ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.

"Để thúc đẩy tăng trưởng, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng… cũng đã và đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, bởi nếu năm nay, tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030 - 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết thêm.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang