Đố biết Hai Bà Trưng họ gì?

author 14:49 15/03/2016

(VietQ.vn) - Hỏi mấy người họ của Hai Bà Trưng, người thì nói họ Hai, ngươi thì đoán họ Trưng, người thì lắc đầu không biết…

Những người được hỏi đều đã học qua Đại học nhưng đều “ú ớ” họ của Hai Bà Trưng.

Ngày tôi học Đại học, khi giáo viên hỏi “đố biết Hai Bà Trưng họ gì?” thì cả lớp với gần 90 con người đều không ai rõ.

Nhưng đó không phải là lỗi của chúng tôi mà lỗi thuộc về những người làm sách sử. Bởi trong các sách lịch sử từ cấp 1 đến cấp 3 đều không ai nói gì về họ của Hai Bà.

Hai Bà Trưng họ gì

Rất ít người biết về họ của Hai Bà Trưng

Truyền thuyết cho biết, Hai Bà là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh (Sơn Tây, Vĩnh Phúc sau này, không rõ tên họ), mẹ là bà Man Thiện ở làng Nam Nguyễn (Ba Vì), cháu chắt bên ngoại Hùng Vương, lấy chồng là Thi Sách. Trong hệ thống họ ở nước ta không hề có họ Trưng và do đó Trưng không phải là tính danh họ, cũng như Hùng trong danh hiệu Vua Hùng cũng không phải là họ. Danh xưng Hùng Vương là do đời sau gọi về tổ tiên của mình khi tiếp thu các yếu tố văn hóa từ bên ngoài. Trong thời Hùng Vương cho đến đầu công nguyên người Việt chưa có tính danh họ mà chỉ xác định theo dòng để phân biệt về quan hệ huyết thống giống như nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta mà sau này ta gọi thành họ.

Theo PGS.TS Phạm Quốc Sử - nguyên giảng viên lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì Bà Trưng không phải tên là Trưng. Ông Sử cho rằng tên gọi của Hai Bà rất có thể có nguồn gốc từ các hoạt động sản xuất lúc bấy giờ. Vùng quê hương của Hai Bà gắn liền với vùng bờ bãi sông Hồng mà ngay từ thời các vua Hùng đã nổi tiếng với nghề chăn tằm, ươm tơ dệt lụa.

“Các nhà dân tộc học cho rằng từ Trưng là từ “trứng” mà ra. Trứng chắc là loại trứng tốt, trứng nhị ở đây là “nhì” bởi ngày xưa bộ tộc thường hay phân biệt trứng loại A, loại B như ngày này chúng ta vẫn phân biệt. Do đó tên Trứng chắc và Trứng nhì ra tên Trưng Trắc và Trưng Nhị”, PGS.TS Phạm Quốc Sử suy luận.

Ông Sử tái khẳng định thời Hai Bà chưa có họ. Đến khoảng thế kỷ thứ 3 chúng ta học người Trung Hoa cách đặt tên họ rồi mới ra họ Phạm, họ Lê, họ Trần…

Cũng bàn về họ của Hai Bà Trưng, theo PGS Nguyễn Khắc Thuần trong sách Danh tướng Việt Nam, thời (gian) đầu công nguyên, người Việt "chưa có họ". Tên Trần Thị Đoan của mẹ hai bà chỉ là tên thần phả đặt sau này, khoảng thế kỷ 17, 18. Cả tên Man Thiện, theo giáo sư Thuần, nghĩa là "người Man tốt", có thể do người Hán gọi. Tên của ông Thi Sách, theo một số tư liệu Trung Quốc được xác định: chồng bà Trưng Trắc tên là Thi.

Còn tên của hai bà, có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tương tự như cách đặt tên theo các loài cá của các vua nhà Trần sau này vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là "kén chắc", tổ kén kém hơn gọi là "kén nhì"; trứng ngài tốt gọi là "trứng chắc", trứng ngài kém hơn gọi là "trứng nhì". Do đó, theo sách Danh tướng Việt Nam, tên hai bà vốn rất giản dị là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Nguyên Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang