Doanh nghiệp cần có kế hoạch đảm bảo hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý

author 15:46 29/12/2021

(VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ cần có kế hoạch riêng cho mình để đảm bảo hàng hóa được bán ra đều đặn với giá cả hợp lý, an toàn, chất lượng.

Dịch Covid-19 khiến thị trường biến động mạnh

Kết thúc 11 tháng của năm kế hoạch 2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức 1,84% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp là tín hiệu đáng mừng cho kết quả kiểm soát lạm phát trong một năm đầy khó khăn ở thị trường nội địa Việt Nam khi có dịch Covid-19.

Năm nay là năm thứ hai Việt Nam phải đối mặt với khó khăn từ đại dịch Covid-19. Đại dịch tác động mạnh mẽ tới từng gia đình cũng như mọi hoạt động kinh tế xã hội đất nước. Dịch làm nảy sinh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, làm gia tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đến các chi phí khác như phí container, giá xăng dầu và nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu cho sản xuất.

Tất cả những điều đó đã tạo ra một sức ép ghê gớm cho sự phát triển của nền kinh tế thời kỳ có dịch. Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội dự báo đạt được trong năm 2021 nhưng trên thực tế không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, những gì mà nền kinh tế nước ta đạt được trong năm vừa rồi cũng rất đáng khích lệ, là tiền đề quan trọng cho những bước phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Nhìn vào bức tranh tổng quan về thị trường giá cả năm qua, có thể thấy trong lúc thu nhập, sức mua trong từng gia đình giảm sút thì giá cả hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu lại tăng cao. Ngoài những nguyên nhân khách quan đã nêu ở trên, còn nguyên nhân chủ quan là hiện tượng "ngăn sông cấm chợ" ở một số địa phương một cách quá mức, gây tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có hiện tượng lợi dụng những lúc khó khăn để đầu cơ trục lợi, tăng giá bán một cách cao quá mức, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng làm tổn hại tới người tiêu dùng... Thiết nghĩ, trong bối cảnh đó, việc bình ổn giá cả thị trường phải tiến hành một cách thiết thực, có hiệu quả. 

Bình ổn chủ yếu giải quyết bài toán cung cầu, chứ không phải chỉ có 20 – 30% lượng hàng hóa bình ổn ở các siêu thị, chợ là có thể bình ổn được giá cả. Bên cạnh đó, việc bình ổn giá không nên chạy theo giá thị trường. Như vậy sẽ mất tác dụng của khâu bình ổn giá mà các địa phương đã thực hiện dẫn tới gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.

Việc điều hành hệ thống phân phối ở thị trường nội địa trong năm qua vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Trong đó có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương cùng các lực lượng thực thi công vụ tại cơ sở. Kết thúc 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội giảm 8,7% so với cùng kì 2020 (nếu loại trừ giá thì còn giảm sâu hơn là 10,4%).

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội trả lời phỏng vấn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn). Ảnh: Hán Hiển

Về công tác quản lý thị trường, xuất phát từ tình hình phức tạp và khó khăn về hàng hóa và giá cả đã nêu ở trên, tại một số địa phương, do chưa được quan tâm quản lý đúng mức nên hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn khá phổ biến trên thị trường. Do vậy người tiêu dùng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ví dụ điển hình là những vụ vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa của Bách Hóa Xanh (công ty con của Thế giới Di động).

Phân tích sâu về diễn biến những mặt hàng thiết yếu trong 11 tháng qua, các chuyên gia, nhà quản lý và dư luận xã hội đều quan tâm tới vấn đề giá xăng dầu bán lẻ. Cụ thể, trong giá bán lẻ xăng dầu đang có trên 40% thuế phí. Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ cấu giá vô lý, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay.

Từ Bộ Công Thương đến một số chuyên gia và dư luận xã hội đều đề nghị giảm bớt thuế và chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua đề xuất này vẫn chưa được thực hiện. Điều quan trọng hơn là những mức thuế phí vô lý này sẽ được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh dịch vụ của những mặt hàng Việt được sản xuất trong nước, hệ quả là làm giảm năng lực cạnh tranh về giá, suy giảm sức mua ở thị trường nội địa cũng như khó cạnh tranh khi đem hàng hóa Việt Nam đưa ra xuất khẩu các nước.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các ngành liên quan cần nghiêm túc xem lại những đề nghị chính đáng này, trước mắt cũng như lâu dài trong việc điều hành giá xăng dầu ở thị trường Việt Nam. Theo tôi, cái lợi lớn nhất khi giảm bớt một phần thuế phí là hàng hóa Việt Nam sẽ sản xuất nhiều hơn, doanh thu tăng lên và tất nhiên số tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp cũng tăng theo, thậm chí còn lớn hơn số thu về phí thuế của mặt hàng xăng dầu hiện nay.

Một mặt hàng khác nhận được sự quan tâm là thịt lợn. Trong những tháng vừa qua, trong khi giá lợn hơi có thời kì giảm đến trên 50%, thậm chí 60% thì giá bán lẻ thịt lợn ở chợ và nhất là một số siêu thị vẫn cao chót vót hoặc chỉ giảm không đáng kể. Đây là mặt hàng vô cùng quan trọng chiếm tới 70% tỉ trọng thịt tiêu dùng của các gia đình Việt Nam.

Trước tình hình cấp bách này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương và các ngành liên quan phải kiểm tra làm rõ sự chênh lệch giá vô lý đã nêu ở trên. Tuy nhiên, cho đến nay đã qua ba tháng nhưng không thấy công bố kết quả để mọi người được biết về việc thực hiện chỉ đạo này. Ngoài ra, còn có hiện tượng một số siêu thị không có động thái đấu tranh để giảm giá tốt hơn cho người tiêu dùng.

Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trước hết, chúng ta cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Chúng ta phải coi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là "tế bào" quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Nếu doanh nghiệp phát triển vực dậy được sẽ có công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống, nộp ngân sách cho Nhà nước ngày càng nhiều hơn.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những chính sách tiền tệ, tài khóa hợp lý, giúp đỡ doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công một cách hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí trong việc chi tiêu kinh phí của Nhà nước, đưa nhanh các công trình vào sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tiếp tục cải cách hành chính và giảm chi phí vô lý cho doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt. Song song với việc sản xuất, cần tổ chức lại hệ thống phân phối quốc gia để đảm bảo việc tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm hàng hóa. Trong đó, có các hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam đang có sức sản xuất hết sức dồi dào nhưng khâu tiêu thụ đang có vấn đề.

Làm tốt vấn đề trên sẽ góp phần vào việc ổn định thị trường giá cả trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% và CPI ở mức 4% trong năm tới, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo đúng Nghị quyết mà Quốc hội đã đề ra.

Chúng ta đang đánh giá về thị trường giá cả năm 2021 trong khi Tết Nhâm Dần 2022 sắp đến gần. Vì vậy, cũng cần luận bàn thêm về những diễn biến của thị trường giá cả trong dịp Tết quan trọng này. Tết năm nay đến với các gia đình trong một hoàn cảnh đất nước vừa trải qua một năm đại dịch nhiều khó khăn và vất vả. Những diễn biến thực tế của thị trường giá cả trong gần một năm qua cho ta thấy đại đa số đơn vị bán buôn bán lẻ trong hệ thống phân phối cả nước đã làm hết sức mình để phục vụ người tiêu dùng. Công tác đảm bảo tiêu dùng cho người dân trong thời gian vừa qua đã góp phần vào thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn đó những "hạt sạn" trong công tác phục vụ, làm mất niềm tin của người tiêu dùng mặc dù không phải là phổ biến.

Từ nay cho đến Tết Âm lịch 2022 chỉ còn hơn 1 tháng nữa, chính vì vậy công tác chuẩn bị nguồn hàng, tổ chức dự trữ hàng hóa và tổ chức bán ra phải hết sức khẩn trương, khoa học và trách nhiệm mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Đồng thời cũng là cơ hội để ngành bán lẻ Việt Nam phấn đấu tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình.

Dự báo thị trường dịp Tết Nhâm Dần 2022

Chúng ta hãy dự báo một số đặc điểm lớn trong đợt phục vụ Tết sắp tới. Điều đầu tiên cần đề cập đó là việc mua sắm Tết có khả năng sớm hơn những năm trước bởi Việt Nam vẫn đang tiếp tục chống dịch, khả năng bùng phát dịch lớn cũng không loại trừ. Chính vì vậy tâm lý mua sắm sớm hơn là điều dễ hiểu.

Theo dự báo, người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 sớm hơn so với Tết mọi năm. Ảnh minh hoạ

Điều thứ hai chúng ta cần qua tâm đó là sức mua trong dân vẫn còn yếu. Tuy vậy, Tết đến ai cũng có nhu cầu mua sắm nhiều hơn, mặt khác từ mấy tháng nay do chi phí đầu vào của sản xuất và lưu thông tăng lên bởi sự tăng giá xăng dầu, gas... hệ quả là một mặt bằng giá mới đã hình thành đối với nhiều mặt hàng theo chiều hướng tăng lên đem lại bất lợi trong chi tiêu của từng gia đình và làm giảm sức mua xã hội.

Nếu thị trường ko ổn định được giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... trong dịp tết, đây thực sự là một khó khăn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng do đại dịch, thu nhập bị giảm sút mạnh trong những tháng qua. Chính vì vậy mà các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải tìm cách vượt qua trong thời gian sắp tới.

Về hệ thống phân phối phục vụ Tết cũng có những vấn đề phải lưu tâm. Kinh nghiệm khi dịch bùng phát lớn nhất là ở TP.HCM và một số thành phố phía Nam, nhiều chợ, siêu thị kể cả chợ đầu mối cũng tạm đóng cửa. Khi đó sức ép phục vụ dồn về hầu hết siêu thị còn đang hoạt động từ đó dẫn tới quá tải gây ra căng thẳng về mua sắm và làm tăng đột biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường lúc đó. Vấn đề này cần đặt ra trong dịp dịch vụ Tết sắp tới là cần thiết.

Về công tác thu mua nguồn hàng phục vụ Tết nhất là ở các thành phố lớn có sức mua cao và tiêu thụ lớn thì việc tổ chức kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa một cách đều đặn, hiệu quả cho nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết là việc quan trọng cần lưu tâm đến. Chuỗi cung ứng phải phát triển tăng về số lượng, tăng về độ kết dính, giảm chi phí vận chuyển lưu thông. Đặc biệt cần hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi, bởi đây là gốc của sự phát triển.

Về công tác quản lý thị trường, giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần đặc biệt quan tâm, bởi nhu cầu mua sắm tăng gấp mấy lần lúc bình thường. Chính vì vậy việc quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng là hết sức cần thiết. Chống hàng lậu, hàng giả phải làm từ biên giới hải đảo, không để hàng vào nội địa thì kiểm soát đã quá muộn và ko hiệu quả. Quản lý thị trường cần có trách nhiệm cao để nhặt những hạt sạn gây tâm lý bất ổn về giá cả thị trường và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, việc đảm bảo phục vụ cho tiêu dùng đợt Tết Nhâm Dần đòi hỏi cần có nhiều cố gắng hơn so với những dịp Tết bình thường khác. Các địa phương trong cả nước dưới sự chỉ đạo của trên cần xây dựng một kế hoạch phục vụ một cách tỉ mỉ, chu đáo, khoa học. Các doanh nghiệp bán lẻ cần có kế hoạch riêng cho mình để đảm bảo hàng hóa được bán ra đều đặn, giá cả hợp lý, chất lượng an toàn vệ sinh đảm bảo, phương thức phục vụ nhanh gọn, thái độ ứng xử với khách hàng văn minh, lịch sự.

Đây cũng là dịp để doanh nghiệp củng cố thêm cho thương hiệu của mình, tạo niềm tin cho khách hàng thân thích. Cánh cửa của siêu thị phải mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, nhất là hàng hóa Việt Nam được đứng trên kệ một cách đàng hoàng, không phải chịu những o ép không đáng có khi tiếp cận với một số siêu thị. Chúng ta tin tưởng nếu có được sự quan tâm của các ngành, các cấp và sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp cùng sự ủng hộ của người tiêu dùng với doanh nghiệp làm ăn chân chính, chắc chắn công tác phục vụ Tết sắp tới với mục tiêu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Điều này sẽ góp phần giúp mọi gia đình được đón Tết đầy đủ, vui vẻ và an toàn.

Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang