Doanh nghiệp chế tạo máy bảo vệ thương hiệu thế nào trước vấn nạn hàng giả?

author 12:44 13/07/2023

(VietQ.vn) - Theo Tổng cục QLTT, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian lận thương mại tràn lan ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp hiện nay, trong đó phải kể tới các doanh nghiệp chế tạo máy.

Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tràn lan từ đồ ăn cho tới các thiết bị kỹ thuật chế tạo máy

Hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn đề báo động cho nhiều doanh nghiệp chế tạo máy hiện nay, gây ảnh hưởng lớn đến chi phí và uy tín thương hiệu.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ giữa năm 2022, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, vấn nạn liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại, ngày càng phức tạp, tinh vi.

Với sự phát triển của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với tốc độ và quy mô ngày càng lớn khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý.

Ngoài việc ảnh trực tiếp tới nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng, vấn nạn này còn gây tác động tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tràn lan từ đồ ăn cho tới các thiết bị kỹ thuật chế tạo máy. Ảnh: VTV 

Theo Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT), chỉ trong 2 năm qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 150.000 vụ buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng. Số lượng hàng hóa vi phạm xuất hiện tràn lan trên thị trường, từ các sạp hàng tại phiên chợ miền núi và len lỏi, trà trộn vào cả siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn.

Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, túi xách… ngay cả thiết bị kỹ thuật trên các dây chuyền công nghệ trong những cơ sở, nhà máy sản xuất cũng bị làm giả một cách tinh vi. Thậm chí, giấy chứng nhận xuất xứ và chất lượng cũng bị làm giả để tạo lòng tin, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và khách hàng.

Những thiết bị giả có chất lượng kém, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật rất dễ xảy ra sự cố khiến hoạt động sản xuất có thể dừng bất cứ lúc nào. Điều này gây tổn thất chi phí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh của công ty. Trong vài trường hợp, có thể dẫn đến tai nạn lao động cho người trực tiếp vận hành.

Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo máy và tích hợp hệ thống, việc sử dụng nhầm các thiết bị, linh kiện giả trên máy có thể sản xuất ra hàng loạt sản phẩm lỗi, không đảm bảo chất lượng, điều này không chỉ tốn kém chi phí khắc phục mà còn ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp.

Thực tế đã không ít lần lực lượng QLTT các tỉnh phát hiện và thu giữ lượng lớn thiết bị, linh kiện giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đơn cử mới đây Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại do ông Nguyễn Xuân L. làm chủ có địa chỉ tại phường Hưng Bình, thành phố Vinh. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ: 1.900 miếng dán cường lực điện thoại, 210 mặt kính điện thoại, 200 màn hình điện thoại di động và 850 ốp điện thoại các loại. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nêu trên.

Trước đó Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc) kiểm tra đột xuất 02 Cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường. Tại thời điểm kiểm tra, tại Cửa hàng Nghĩa Hà hàng hoá vi phạm gồm 128 đơn vị sản phẩm. Còn tại cửa hàng Cúc Hoạt hàng hoá vi phạm gồm 71 đơn vị sản phẩm. Toàn bộ hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Bến Tre) cũng đã phát hiện và tạm giữ 1.712 sản phẩm phụ tùng xe gắn máy không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh Đắk Nông cũng phát hiện 06 cơ sở kinh doanh 75 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe mô tô ghi nhãn hiệu Honda, 42 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe mô tô ghi nhãn hiệu Yamaha có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda và giả mạo nhãn hiệu Yamaha đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện tại một hộ kinh doanh bày bán 2.935 sản phẩm là lưỡi cắt, chổi than các loại mang nhãn hiệu “MAKITA” có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Toàn bộ số hàng hóa trên đều có đặc điểm mã trên vỏ hộp và trên sản phẩm không đồng nhất, mã sản phẩm không đúng và không trùng với mã sản phẩm của hãng; nhãn hiệu “MAKITA” được in trực tiếp trên vỏ hộp và trên sản phẩm.

Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh, thậm chí còn có các khung hình phạt khá nặng so với các nước khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì cần chủ động, chứ không phải đợi cơ quan chức năng.

“Quan trọng nhất là thức tỉnh nhận thức, nâng cao nhận thức, bắt đầu từ việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì chính doanh nghiệp phải chủ động, không phải đợi cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng muốn bảo vệ mình phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc thông qua các luật sư, từ đó tạo thành một cơ chế hợp tác đa bên giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung”, luật sư Nguyễn Tiến Lập nhận định.

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trực tiếp những sản phẩm gắn với sức khỏe của người tiêu dùng, cho biết, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng.

Đối với thương hiệu sản phẩm của mình, URC luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm. URC cũng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Hữu Linh cũng nhấn mạnh, bên cạnh tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm cụ thể, Tổng cục QLTT sẽ tập trung phối hợp với tất cả các bộ, ngành liên quan cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.

Để phòng ngừa, lực lượng QLTT đã triển khai nhiều biện pháp tác động đến cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như người mua hàng như: Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông theo mục tiêu "mưa dầm thấm lâu" để dần thay đổi tâm lý, thói quen thỏa hiệp sử dụng hàng giả, hàng vi phạm của một bộ phận người tiêu dùng; tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng thật - hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả…

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang