Doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh dạn chuyển đổi số

author 16:47 20/06/2022

(VietQ.vn) - Nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu đã có sự thay đổi tích cực trong tư duy, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như các hợp tác xã từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện từ xuyên biên giới năm 2021 tăng tới 25,7% so với năm 2020. Còn theo số liệu của Amazon, năm 2021 có 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán thông qua sàn thương mại điện tử này, tăng gần 35% so với năm 2020 trước đó.

Những con số ấn tượng này đến từ xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, kết quả còn là thành quả đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, lợi ích từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng như các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại qua môi trường trực tuyến.

Thương mại điện tử như một giải pháp cứu cánh, thậm chí là duy nhất cho các doanh nghiệp muốn triển khai hoạt động xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử đã nổi lên như một giải pháp cứu cánh, thậm chí là duy nhất cho doanh nghiệp muốn triển khai các hoạt động xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống đã chuyển sang mô hình xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường chuyển đổi số cũng như điều chỉnh mô hình, sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh và tốc độ để theo kịp thị trường.

“Những khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua không hoàn toàn chỉ đem lại tác động tiêu cực, mà đã trở thành động lực đáng kể để các doanh nghiệp xuất khẩu thông thường chuyển đổi và từng bước thành công trong môi trường thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng.

Nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu đã có sự thay đổi tích cực trong tư duy, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như các hợp tác xã từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp nay đã sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến”, bà Huyền nhìn nhận.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online thời gian qua cũng ít nhiều gây ra khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với khả năng tài chính và nguồn nhân lực hạn chế, các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian tới sẽ có nhiều chương trình được khởi động nhằm hỗ trợ sâu sắc và hiệu quả hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể như hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến có mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp đa lĩnh vực trong giai đoạn từ 2021 - 2025 xuất khẩu thành công thông qua môi trường trực tuyến.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang