Đồng bộ các giải pháp bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

author 19:53 29/11/2021

(VietQ.vn) - Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chuyên môn theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

 Bộ Tài chính tăng cường các biện pháp đồng bộ bình ổn giá dịp Tết Nhâm Dần năm 2022

Theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến nền kinh tế, việc quản lý điều hành giá của một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng phải chịu áp lực rất lớn, kiểm soát lạm phát tại một số thời điểm rất khó khăn.

Về cơ bản chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức hơn 1,8%, cơ bản nằm trong kịch bản điều hành giá, là những điều kiện thuận lợi và tạo dư địa để kiểm soát lạm phát cả năm 2021 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng tiêu dùng không nằm trong danh mục Nhà nước định giá đã và đang tiếp tục gây áp lực đến mặt bằng giá, nhất là vào những tháng còn lại của năm và thời điểm Tết Nguyên đán.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ kiểm soát lạm phát trong năm và những tháng đầu năm 2022, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTC về tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp, bám sát diễn biến giá cả thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể để có biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường phù hợp, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả.

Bên cạnh đó, tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế; chủ động sử dụng nguồn dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống.

Đồng thời, Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có liên quan tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn; tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.

Các cơ quan, tổ chức trung ương đóng tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành tổ chức triển khai quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.

Cục Hải quan tăng cường quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tập trung tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.

Cục Thuế chỉ đạo rà soát nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá.

Nguyễn Hương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang