Cảnh báo giao thông: Dừng sửa ô tô trên đường coi chừng thần chết ghé thăm

author 16:50 30/08/2017

(VietQ.vn) - Trong quá trình lưu thông, nhiều ô tô xảy ra sự cố, nhiều người "vô tư" dừng xe ngay trên đường để sửa chữa tạo nên việc mất an toàn giao thông.

Việc dừng dỗ xe trên đường để sửa chữa ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện khác nhất là trên các đường quốc lộ, lưu lượng xe lớn hay trên đường cao tốc, các xe đi với tốc độ cao. Nhiều tài xế khi dừng dỗ để sửa chữa không có cảnh báo theo quy định mà chỉ sử dng các hình thức cảnh báo thô sơ bằng các cành cây thì nguy cơ khiến phương tiện khác đâm vào là rất cao. Nguy hiểm hơn, khi đêm tối, tầm nhìn bị hạn chế, nên dễ xảy ra tai nạn.

Việc chui vào gầm ô tô sửa chữa trên đường sẽ rất nguy hiểm. Ảnh: Người lao động 

Anh Nguyễn Tuấn (tài xế xe khách tuyến Nam Định - Hà Nội) cho biết: "Khi xe bị hỏng hóc đơn giản, tài xế thường tự sửa chữa. Nhiều khi phải chui vào gầm xe để sửa chữa, việc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như xe khác có thể đâm phải xe hay vô tình chân hay đầu thò ra ngoài trong quá trình sửa chữa,... gây tai nạn".

Vào năm 2010, Km 1620 + 400 Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Định,một xe mô tô đã đâm vào phía sau bên trái của xe ôtô đầu kéo đang bị nổ lốp, đỗ bên đường. Hậu quả khiến người đi mô tô bị tử vong tại chỗ. Hay mới đây, vào cuối năm 2016, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một chiếc xe Ford Ranger dừng khẩn cấp để thay lốp xe, nhưng một xe bồn chạy nhanh không kịp tránh đã tông vào xe khiến  2 người thay lốp tử vong.

Theo các cán bộ CSGT, khi xe dừng dỗ để sửa chữa, việc đặt cảnh báo bằng cây, vật dụng, hộp nhỏ, ở phía trước, sau xe ôtô chủ yếu là cho có hoặc để đối phó không phát huy được tác dụng cảnh báo.

Cảnh báo giao thông: Coi chừng với đèo Gió 'hút' mạng người(VietQ.vn) - Đèo Gió tuy không dốc nhiều nhưng góc cua "hiểm", nhiều tài xế lại chủ quan nên dễ gây tai nạn nguy hiểm.

Khi dừng khẩn cấp trên cao tốc, xe phải có đèn cảnh báo cho các phương tiện khác. Việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm, nháy đều hai đèn xi-nhan sẽ giúp tài xế khác nhận biết nhanh nhất xe đang gặp vấn đề. Sử dụng những vật dụng để cảnh báo cho các phương tiện khác như: tam giác phản sáng, cọc tiêu hình nón, đèn nháy, áo phản quang đèn dựng đứng phát sáng nhấp nháy dạng cột....

Để phòng ngừa không để những vụ tai nạn liên quan đến xe đỗ dừng không có biển cảnh báo nguy hiểm có thể xảy ra. Các lái xe khi tham gia giao thông trên đường phải tuân thủ các qui định của luật an toàn giao thông đường bộ. Khi đỗ, dừng phải lưu ý đỗ nơi đường rộng, tầm nhìn thoáng, đỗ sát nơi có lề đất rộng. Chú ý chuyển đèn chiếu sáng xa, gần để các phương tiện ngược chiều không bị chói, dễ quan sát và kịp thời phát hiện chướng ngại vật phía trước.

Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

Bên trái đường một chiều;

Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

Trên cầu, gầm cầu vượt;

Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

Nơi dừng của xe buýt;

Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Minh Châu

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang