Giá xăng giảm 600 đồng/lít: Tại sao khi tăng thì sốc, khi giảm thì nhỏ giọt

author 09:59 26/03/2022

(VietQ.vn) - Thông tin giá dầu thô thế giới lao dốc khiến người dân, doanh nghiệp kỳ vọng ngày 21/3 giá xăng trong nước sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, mức giảm ngày hôm qua chỉ hơn 600 đồng/lít.

Giá xăng - lúc tăng thì "sốc", khi giảm thì nhỏ giọt

Ngày 21/3, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh giảm lần đầu tiên sau 7 kỳ tăng liên tiếp. Theo đó, mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 giảm 632 đồng/lít còn 29.192 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít còn 28.330 đồng/lít.

Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, đà giảm này do giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm (mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây).

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3 và kỳ điều hành ngày 21/3 là 121.912 USD/thùng với xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) giảm 10.340 USD/thùng, tương đương giảm 7.82%. Xăng RON 95 là 125.842 USD/thùng, giảm 7.3% và dầu diesel là 122.338 USD/thùng giảm 15.74% so với kỳ trước.

Tuy nhiên, mức giảm đối với giá xăng, dầu trong kỳ điều hành ngày 21/3 chỉ ở mức 2,9% với xăng RON 95; 2,3% với xăng E5 RON 92 và 6,9% với dầu diesel.

Giá xăng giảm nhỏ giọt sau loạt phiên tăng liên tiếp. (Ảnh minh họa) 

Quỹ bình ổn tác dụng tới đâu? 

Theo lý giải của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3, nhưng sau đó lại có xu hướng tăng trở lại. 

Ngoài ra còn một yếu tố khác ghìm mức giảm của giá xăng dầu kỳ này đó là việc thực hiện trích lập Quỹ bình ổn. Sau một thời gian dài tăng liên tục, cơ quan điều hành phải chi sử dụng quỹ bình ổn. Tại nhiều doanh nghiệp, quỹ bình ổn âm hàng trăm tỉ đồng.

Do vậy, tại kỳ điều chỉnh này, việc trích lập được cơ quan điều hành sử dụng. Cụ thể tại kỳ này, Liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã quyết định trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 50 đồng/lít, dầu diesel 400 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít.

Kỳ này, cơ quan điều hành ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá với tất cả mặt hàng xăng dầu sau một thời gian dài liên tục "xả". Bộ Công Thương cho biết để hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ đã thực hiện chi sử dụng quỹ cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 200 - 1.500 đồng/lít.

Do kỳ điều hành lần này giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước, khi số dư quỹ đã gần hết (tại 13 doanh nghiệp quỹ đã âm) nên để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, 2 bộ mới quyết định bắt đầu trích lập.

Cũng liên quan đến Quỹ bình ổn xăng dầu, tại Nghị quyết 25 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Sau khi giảm giá xăng trong nước vẫn ở mức cao. 

Một thương nhân phân phối xăng dầu (đề nghị giấu tên) cho biết, theo quy định, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.

Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ. Đó vậy, khi xả quỹ ở mức độ cao, các doanh nghiệp có thị phần lớn và quỹ lớn sẽ chịu tác động rất mạnh. 

Điều này cũng sẽ dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn - có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trường hợp giá xăng dầu ổn định trong nhiều năm, vai trò của quỹ cũng tương tự một quỹ dự trữ từ nguồn đóng góp của người dân. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá dầu thế giới trong phiên mở cửa ngày 21/3 tiếp tục hành trình leo dốc sau hơn 6 ngày sụt giảm trước đó. Hiện giá hai loại dầu Brent và WTI đã quay về ngưỡng xác lập đầu tháng 3.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 4,1 USD lên 112,03 USD/thùng, tương đương 3,8%. Dầu WTI tăng 4,1 USD lên 108,81 USD/thùng, tương đương 3,95%. So với đầu tuần trước (giai đoạn giá dầu lao dốc), giá dầu thế giới đã tăng trên dưới 5%.

Ngọc Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang