Giải ngân vốn đầu tư công phải vừa nhanh, vừa hiệu quả

author 17:31 30/09/2021

(VietQ.vn) - Bộ Tài chính vừa kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động rà soát các dự án đến 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực, đầu tư công được xem là “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng năm 2021 đạt 183.320 tỷ đồng, chỉ đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 461.300 tỷ đồng.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021, Bộ Tài chính vừa kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động rà soát các dự án đến 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Đồng thời, căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án khởi công mới đủ điều kiện. Từ đó, đảm bảo phân bổ 100%  kế hoạch năm 2021 đã được giao; đồng thời, nhanh chóng thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án.

Đầu tư công được xem là “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế - Học viện Tài chính, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành cùng quyết tâm thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với quy trình cấp vốn, chúng ta đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết. Đồng thời, nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng không thực chất, quân xanh, quân đỏ để “bắt tay nhau” trúng thầu. Từ đó, dẫn đến lập dự toán khống hay đưa các khối lượng công việc không phù hợp vào trong dự án.

Cùng với đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành phải được đề cao bởi từ khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định... suốt thời gian dài bị buông lỏng. Đồng thời, phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công. Cơ chế pháp lý cũng cần được rà soát, hoàn thiện để có thể khi thực thi không khó khăn, vướng mắc.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng từng chia sẻ với báo chí rằng, vấn đề quan trọng hiện nay đối với đầu tư công là vừa phải nhanh, vừa phải hiệu quả. Vì thế, cần xác định để chọn được các dự án trọng tâm, trọng điểm, mang tính dẫn dắt, lan tỏa để ưu tiên. Việc này sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp, người lao động, tạo ra những hiệu quả nhanh chóng nhất.

“Tôi rất sợ những dự án đầu tư công mang tiếng là giải ngân nhanh nhưng bao nhiêu năm sau mới thấy tác dụng. Ngốn một số tiền ngân sách lớn, tính vào tăng trưởng GDP thì tăng trưởng ấy không có ý nghĩa thực sự cho nền kinh tế và hiệu ứng thực sự mà nó đáng ra phải mang lại như mục đích của đầu tư công hướng đến.

Hiện nay, các dự án hạ tầng giao thông là những dự án rất cần thiết được ưu tiên vốn. Riêng đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi đóng góp GDP rất lớn, cần phải sớm cải thiện hạ tầng giao thông tại đây, vì khu vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang