Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế

author 06:24 19/09/2024

(VietQ.vn) - Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau trong thương mại quốc tế.

Theo ông Châu Văn Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chỉ rõ, nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt là bên chịu bất lợi.

Qua những vụ việc tranh chấp thương mại với đối tác nước ngoài, ông Châu Văn Bắc khuyến cáo doanh nghiệp cần xem xét kỹ với hợp đồng giá trị lớn, đối tác tìm kiếm qua mạng. Ngoài ra, trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, liên hệ các Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại hoặc kiêm nhiệm để được hỗ trợ thêm thông tin về đối tác. Mặt khác, doanh nghiệp nên chú ý điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết, tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch.

Theo TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, những vụ lừa đảo quốc tế không hiếm và đã lan rộng ra khắp nơi. Các vụ lừa đảo hầu như đều xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ hoặc quá tin tưởng vào đối tác. Trong khi đó, nhiều đối tượng nước ngoài có sự lừa đảo khá tinh vi, khiến doanh nghiệp dễ dàng tin tưởng, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, ít đơn hàng như hiện nay.

 Ảnh minh họa

Để bảo vệ quyền lợi, trước hết doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác và phải tự bảo vệ chính mình, bằng cách phối hợp với các Cơ quan Thương vụ, Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài để xác minh đối tác. Cùng đó, nhà nước cũng cần có thêm cơ chế hỗ trợ cho các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để nâng cao năng lực hơn nữa, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của gần 40 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo khoảng 10 mặt hàng (đã có các sản phẩm bị điều tra như gỗ dán, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, tủ gốc, pin mặt trời, ghim dập…). Nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp quan tâm đến 7 vấn đề sau:

Một là, cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại để xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý;

Hai là, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc canh tranh bằng giá;

Ba là, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán;

Bốn là, nghiên cứu, hiểu về các nguyên tắc quy trình, thủ tục điều tra Phòng vệ thương mại. Theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương. Chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh;

Năm là, xây dựng chiến lược kháng kiện rõ ràng, thống nhất từ đầu vụ việc;

Sáu là, tham gia hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội trong quá trình xử lý vụ việc;

Bảy là, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang