Giải pháp nào cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19?

author 06:13 13/08/2021

(VietQ.vn) - Do gián đoạn chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng khiến xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn

Từ tháng 05 đến nay, thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Trung Quốc tăng cường kiểm tra, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam; thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa... khiến thời gian thông quan hàng hóa kéo dài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch với đội lái xe chuyên trách, làm tăng thời gian giải phóng hàng hoá, dẫn đến tình trạng ùn ứ cục bộ.

Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 30 đến 40 xe hàng thông quan qua cửa khẩu Lào Cai. Còn tại cửa khẩu Hữu nghị Bằng Tường (Lạng Sơn), mỗi ngày có khoảng 100 xe hoa quả xuất khẩu được thông quan sang Trung Quốc. Đây là con số được đánh giá là rất khiêm tốn so với thời gian trước dịch.

Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh minh hoạ 

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu gạo cho hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Cảng Cát Lái phải phong tỏa khu vực nhận gạo do phát hiện ca F0, ngưng giao nhận giao hàng từ tháng 07/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục. Lượng container ứ đọng tại cảng lớn; các tàu hàng buộc phải neo ở phao số 0, trong khi khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có cảng nước sâu, doanh nghiệp không thể đưa hàng lên tàu đúng tiến độ hợp đồng, dẫn tới lượng hàng tồn kho nhiều và doanh nghiệp còn chịu phạt hợp đồng do không giao hàng đúng theo hợp đồng…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, mặc dù có đơn hàng, nhưng doanh nghiệp không thể xuất khẩu đi bởi không đủ năng lực sản xuất “3 tại chỗ”, không có đủ người vận chuyển hàng hóa, việc tắc nghẽn hàng tại cảng, tắc nghẽn tàu do phát hiện có ca F0, phải thực hiện giãn cách để chống dịch.

Các doanh nghiệp cũng phản ánh, việc xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm là thách thức lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cước tàu biển và container cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn, cần được hỗ trợ.

Nêu thực trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho doanh nghiệp được vay vượt hạn mức tín dụng đã cấp để thu mua lúa gạo vụ hè thu; trong đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về cho vay thế chấp bằng lúa gạo thu mua của doanh nghiệp. 

Về mặt bằng lãi suất cho vay, đối với ngành lúa gạo xin được ngân hàng hỗ trợ giảm 1-2%, đây là điều các doanh nghiệp rất cần trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cùng các cơ quan chức năng có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy. Với đặc thù kênh rạch chằng chịt, lúa gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ, do đó, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Trước thực trạng xuất nhập khẩu gạo Việt Nam bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tăng cường các buổi làm việc trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc và quốc tế.

Theo đó, Bộ NN&PTNT cũng đang nỗ lực hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản đang vào vụ thu hoạch sang các thị trường EU, Anh, Nhật Bản; phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cám gạo, tinh bột sắn, sắn khô sang thị trường quốc tế.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.

Trước đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hiện nay, gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh thị trường truyền thống đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước châu Mỹ, Trung Đông…Sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.

Hạt gạo Việt Nam cũng đã bắt đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, EU và liên tiếp duy trì là nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân; tăng trưởng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và giảm dần tỷ trọng các loại gạo chất lượng trung bình và thấp.

Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Thống kê cho thấy, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,89 triệu tấn gạo. Do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao, đạt trung bình 534 USD/tấn, tăng 13,4% so với giá cùng kỳ năm ngoái nên tuy giảm 10,8% về lượng nhưng tổng doanh thu xuất khẩu vẫn đạt 1,01 tỷ USD, tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

VFA cũng nhận định, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang