Giải pháp nào nâng cao NSLĐ trong công nghiệp chế biến, chế tạo?

author 06:55 11/04/2018

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp hơn để nâng cao năng suất lao động của nhóm ngành này.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mặc dù có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) cao trong khu vực ASEAN, tuy nhiên NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Cụ thể NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 7% NSLĐ của Singapore; bằng 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% NSLĐ của Lào. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tương đương khoảng 4.159 USD/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức 13,56% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây) đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng GDP quý đầu năm.

Nâng cao năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là mục tiêu quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam thời gian tới. Ảnh: báo Công Thương

Tuy nhiên, theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), cần thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp trong nước gắn với phát triển các ngành công nghiệp dựa trên những tính toán cụ thể về NSLĐ, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

“Việt Nam cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp hơn. Đặc biệt cần quan tâm đến những nhóm ngành có NSLĐ cao và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cao như các nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm thuốc lá và sản xuất kim loại.

Đồng thời, cần có chiến lược phù hợp để thúc đẩy những ngành hiện nay có NSLĐ thấp nhưng có tốc độ tăng NSLĐ cao, như các nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào và Sản xuất phương tiện vận tải khác trong hệ thống phân ngành kinh tế 2007.

Bây giờ để có được chiến lược phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cần phải phân ra nhóm ngành nào có NSLĐ cao, bởi vì tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào NSLĐ chung của nền kinh tế và của từng ngành.

Để thúc đẩy được NSLĐ của ngành chế biến chế tạo trong những giai đoạn trước tăng trưởng chỉ đạt 2,4% nhưng nhóm ngành này lại đóng góp lớn do có sự cải thiện can thiệp của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thuộc nhóm này lại thấp và có sự suy giảm. Bên cạnh đó, hiệu quả về mặt quy mô, môi trường hội nhập quốc tế cũng như mức độ mở cửa cũng cải thiện nhóm ngành chế biến chế tạo.

Để đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực này cần phải cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là những nhân tố nội tại bên trong như chuyển đổi máy móc, thiết bị cũng như trình độ lao động và trình độ quản lý.

Bảo Bình

Tuyên Quang: Tín hiệu tích cực từ chương trình nâng cao năng suất, chất lượng(VietQ.vn) - Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang