Giải pháp xây dựng môi trường không gian mạng an toàn tích cực trong thời gian tới

author 12:22 12/10/2023

(VietQ.vn) - Mạng thông tin hiện nay không chỉ là một phương tiện truyền thông mà còn là một không gian quan trọng để củng cố và tăng cường thông tin, tuyên truyền về hệ tư tưởng chủ đạo.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Giải pháp xây dựng môi trường mạng an toàn, tích cực

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18-10-2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị…

Theo PGS. TS Vũ Trọng Lâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: “Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và các ứng dụng của internet tạo ra một không gian chiến lược mới được gọi là “không gian mạng”, mang lại nhiều cơ hội phát triển cũng như những thách thức cho mọi lĩnh vực đời sống xã hội của các quốc gia. Tại Việt Nam, các hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội được xem là một trong những lĩnh vực đầu tiên chịu sự tác động của không gian mạng.” 

 Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Vì vậy theo PGS. TS Vũ Trọng Lân cần phải có giải pháp xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, củng cố và tăng cường thông tin, tuyên truyền về hệ tư tưởng chủ đạo: Mục đích của công tác tư tưởng, tuyên truyền, thông tin và định hướng dư luận xã hội là nhằm củng cố quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, củng cố nền tảng tư tưởng chung cho sự đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn dân. Do đó, hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội cần khơi dậy những mặt tích cực của đời sống xã hội, khuyến khích việc rèn luyện và thực hành các giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội; nắm bắt thời điểm, mức độ và tầm ảnh hưởng của việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng, để làm cho môi trường không gian mạng được an toàn, lành mạnh, phục vụ sự phát triển của xã hội.

Thứ hai, tăng cường xây dựng các nội dung thông tin lành mạnh, đúng đắn: Thực hiện đổi mới các đơn vị sản xuất thông tin (báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị truyền thông, mạng xã hội,...) và thúc đẩy đổi mới về quan niệm, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện công khai trên không gian mạng. Đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng; phải kiên quyết đấu tranh chống lại sự tấn công của các tin đồn ác ý, các thông tin bôi nhọ, hạ thấp uy tín cá nhân và lãnh đạo các cấp. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo các cấp phải sử dụng thông thạo internet để tìm hiểu dư luận và triển khai công việc, ứng dụng internet như một nền tảng mới để đảng viên và cán bộ lãnh đạo giao tiếp với quần chúng nhân dân, hiểu nhân dân, gần gũi nhân dân, giải quyết những vấn đề còn khúc mắc, bất cập trong đời sống nhân dân; đồng thời, cần đưa không gian mạng thành một kênh mới để tăng cường giám sát của nhân dân.

Thứ ba, thiết lập và cải tiến hệ thống quản lý mạng toàn diện: Cần nâng cao khả năng quản trị mạng và thiết lập cơ quan quản trị mạng toàn diện với sự tham gia của các chủ thể liên quan, tạo ra một hệ thống mới về đồng quản lý và tương tác tích cực trên tinh thần tuân thủ pháp luật phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và các quy định về dịch vụ thông tin mạng, bảo vệ an ninh mạng, quản lý xã hội mạng...; tích hợp chức năng của các cơ quan liên quan trong quản lý nội dung, quản lý ngành và cơ chế liên kết, phối hợp trong phòng, chống tội phạm mạng; xây dựng cơ chế xử lý phù hợp, đủ sức răn đe; thường xuyên “làm sạch internet” để tạo ra một môi trường mạng an toàn và văn minh...

Thứ tư, thúc đẩy tích hợp truyền thông, thông tin phát triển theo chiều sâu: Cần tích hợp, tối ưu hóa quy trình và tái cấu trúc nền tảng thông tin để thực hiện tích hợp có hiệu quả các nguồn lực truyền thông với các yếu tố sản xuất khác nhau. Đồng thời, thực hiện tích hợp và kết hợp các yếu tố như nội dung thông tin, ứng dụng công nghệ, phương pháp quản lý nhằm thúc đẩy sự thay đổi về chất, mở rộng hiệu quả tích hợp, tạo ra một nhóm phương tiện truyền thông chính thống mới có sức ảnh hưởng và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ để tiến hành thông tin và định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng hiệu quả.

Xây môi trường mạng tích cực là trách nhiệm của toàn dân

Xây dựng và bảo vệ môi trường không gian mạng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo ra một xã hội ảo trên internet lành mạnh, an toàn, bền vững, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Để nâng cao hiểu biết trách nhiệm về xây dựng và bảo vệ không gian mạng, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Bộ luật Hình sự (năm 2015) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015); Luật An ninh mạng (năm 2018)... Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng.

Lên án các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; phá hoại thuần phong, mỹ tục; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Đấu tranh với các biểu hiện, hành động tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi... Các cơ sở giáo dục sớm đưa nội dung giáo dục bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Giáp - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc ứng xử một cách khéo léo, có kỹ năng và trách nhiệm xã hội trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trên không gian mạng sẽ góp phần nuôi dưỡng, xây đắp cho con người những lý tưởng cao quý, những tư tưởng và tình cảm lớn, những phẩm chất cao đẹp để giúp cho con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ, không ngừng hoàn thiện bản thân để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Do đó, mỗi cá nhân cần có thái độ tích cực, ứng xử có văn hóa khi sử dụng mạng xã hội; các tổ chức, cơ quan nhà nước cần tuyên truyền về cách ứng xử phù hợp trên không gian mạng, đồng thời theo dõi sát sao từng cá nhân trong đơn vị để kịp thời xử lý khi phát hiện những vấn đề ứng xử thiếu văn hóa trên không gian mạng.”

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang