Giao thừa - thời khắc đoàn viên

author 06:12 31/01/2022

(VietQ.vn) - Thời khắc Giao thừa chính là lúc mọi ưu phiền của năm cũ gác lại, các thành viên gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ Tết và hân hoan chào đón năm mới. Đó là thời khắc đoàn viên, khoảnh khắc thiêng liêng, là lúc mà xúc cảm của mỗi người dâng lên mãnh liệt nhất. Lòng vị tha đong đầy và dù có giận hờn ai đi chăng nữa, tại thời khắc này, lòng mỗi người đều chùng xuống và cũng dễ dàng thứ tha.

Giao thừa là thời khắc đoàn viên

 Giao thừa - thời khắc đoàn viên.

Những năm trước, cứ độ tháng Mười Âm lịch đến, tôi thường đề ra kế hoạch Tết sẽ đi du lịch, sẽ thử ăn Tết xa nhà. Thế là tôi lên lịch chi tiết các điểm đi. Tôi cho rằng, hơn hai mươi năm ăn Tết ở nhà là quá đủ rồi, tuổi trẻ mà- phải thử cảm giác ăn Tết nơi đất khách xem có gì thú vị hơn không?

Vả lại trong lối suy nghĩ của tôi thì bây giờ người ta quan niệm là chơi Tết chứ không còn ăn Tết nữa. Theo một vị Tiến sĩ chia sẻ trên trang mạng xã hội faecbook, ông ấy cho rằng, nên bỏ quan niệm Tết là ăn uống, gặp gỡ, nhậu nhẹt, chúc tụng. Mà cần xây dựng một lối sống mới, Tết là xả hơi, là khoảng thời gian tự thưởng cho cảm xúc riêng của mình bằng việc làm điều mình thích sau 365 ngày vất vả. Tết cũng là khoảng thời gian có ngày nghỉ dài nhất trong năm, một chuyến du lịch cho bản thân chính là điều tuyệt vời nên làm.

Tôi thấy, những suy nghĩ của tôi giống ông tiến sĩ kia. Thế nên, tôi đã dành dụm tiền để có một chuyến đi du lịch dịp Tết cùng ba mẹ. Để ba mẹ bất ngờ, năm 2018, 27 Tết tôi về nhà sau ngày làm việc cuối cùng của năm và đưa ra những tấm vé máy bay. Tôi thúc giục ba mẹ sắp xếp mọi thứ để 29 Tết cả gia đình ra sân bay và đi du lịch.

Tuy nhiên, cả ba và mẹ từ chối bất ngờ mà tôi mang đến. Ba mẹ quan niệm, Tết là phải ở nhà, không được đi đâu cả. Nhất là thời điểm Giao thừa căn bếp luôn luôn phải ấm, phải đỏ lửa. Như vậy thì năm mới sẽ suôn sẻ. Thế là tôi đành phải bỏ những tấm vé đó đi, ngoan ngoãn ở nhà ăn Tết với ba mẹ. Đó là cái Tết mà tôi vừa hậm hực, vừa buồn bã vì hụt mất kế hoạch đi chơi Tết tôi ấp ủ, đã lên kế hoạch tỉ mỉ.

Năm 2019, tôi lại xây dựng kế hoạch đi chơi Tết một mình. Tôi muốn đón những ngày đầu năm mới ở một thành phố biển ấm áp. Thế nên, tôi đã xin phép ba mẹ cho mình một năm ăn Tết xa nhà. Ba mẹ tôi rất buồn nhưng cũng đồng ý. Chiều 30 Tết, sau khi xong hết công việc của năm cũ cũng như điện thoại hỏi thăm ba mẹ, tôi sắp xếp đồ đạc ra sân bay.

Ngày cuối cùng của năm, sân bay Nội Bài như một bức tranh đối lập. Ở sảnh các chuyến bay đến, cảnh người chen chúc tấp nập đón người thân nơi phương xa trở về ăn Tết. Ai cũng mong ngóng, háo hức ngước mắt lên chiếc bảng điện tử để theo dõi thời gian hạ cách của những chiếc phi cơ. Còn ở ga đi là hình ảnh thưa vắng.

Các chuyến bay từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam ít ỏi khách làm thủ tục. Có lẽ, những người trốn Tết đi chơi như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn đa phần là những người con phương Nam đi làm ăn ở phương Bắc, họ cũng đang vội vã trở về gia đình. Và ở đầu sân bay bên kia, gia đình họ cũng đang mong ngóng, chờ đón họ trở về sau một năm xa nhà. Tôi bỗng nhiên thấy lòng xao động.

Tôi đẩy chiếc va li vào phòng chờ. Chuyến bay Hà Nội - Phú Quốc của tôi bị trễ giờ. Thời gian cất cánh ban đầu là 20h30 và dự định hạ cánh xuống sân bay Phú Quốc lúc 22h40 phút. Tuy nhiên, do kế hoạch khai thác của hãng mà giờ bay mới được cập nhật trên bảng điện tử dự kiến là 22h và giờ đến sân bay Phú Quốc là 00h15 phút ngày Mùng Một Tết.

Tôi ngồi ở cửa đợi ra máy bay buồn bã vì chuyến bay trễ. Chợt một hành khách đi cùng chuyến bay với tôi ngồi hàng ghế chờ phía đối diện nói chuyện điện thoại với mẹ: “Mẹ ơi, chuyến bay của con trễ nên Giao thừa hai mẹ con con không kịp về với mẹ. Giao thừa qua 10 phút con mới hạ cánh nên con về với mẹ muộn nhé”. Tiếng người mẹ vọng ra từ chiếc điện thoại cũ: “Không sao đâu con, với mẹ, con về khi nào thì khi đó là Giao thừa”.

Trò chuyện với chị, tôi được biết chị là người huyện đảo Phú Quốc lấy chồng ở Giao Thủy (tỉnh Nam Định). Chồng chị là bộ đội hải quân thường xuyên xa nhà. Năm nay là năm đầu tiên chị được bố mẹ chồng cho hai mẹ con về quê ngoại ăn Tết. Nhưng tục lệ nhà chồng muốn đi đâu cũng phải xong xuôi bữa cơm Tất niên trưa 30 Tết. Cứ nghĩ, sẽ kịp trở về với mẹ đón Giao thừa. Thế nhưng vì chuyến bay trễ mà thời khắc Giao thừa chị không kịp ở bên mẹ.

Từ khi hãng hàng không thông báo chuyến bay bị trễ, tôi thấy ánh mắt chị đượm buồn. Có đôi lúc, chị khẽ lau nhẹ giọt nước mắt vừa trực trào ra trên mi. Chị cũng giống ba mẹ tôi, trân trọng giây phút Giao thừa đoàn viên thiêng liêng. Mà với chị bao năm mới có một lần lại bị trễ. Trong khoảnh khắc ấy, tôi bắt đầu nảy ra nhiều suy nghĩ. Bỗng đâu đây, những dòng ký ức về Tết xưa lại dội về. Chưa năm nào tôi xa ba mẹ trong thời khắc đầu tiên của Năm mới.

Năm nay, tôi đang chuẩn bị xa ba mẹ cả ngàn cây số ở một vùng trời khác và đón Giao thừa theo cách riêng của tôi. Mải suy nghĩ miên man rồi cũng đến giờ lên máy bay. Chuyến bay không đông, dường như ai cũng sốt ruột muốn nhanh chóng trở về nhà nên ai cũng sải những bước đi dài. Đến cửa soát vé, nhìn số hiệu chuyến bay đi Phú Quốc, bỗng nhiên tôi chững lại, đứng sững sờ. Không hiểu khi đó tôi nghĩ gì mà quay người lại, kéo va li chạy thẳng ra bên ngoài, mặc cho loa phát thanh văng vẳng gọi tên tôi và những hành khách cuối cùng chưa lên máy bay.

Tôi đã bỏ chuyến bay đó, leo lên một chiếc taxi và chạy về với mẹ. Khi tôi vừa về đến cổng cũng là lúc pháo hoa nổ trên mái nhà. Mẹ tôi linh tính thế nào mà đã ra ngõ đứng đợi rồi ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở. Thì ra, giây phút Giao thừa nó thiêng liêng đến vậy. Thời khắc này mới là Tết, Tết là đoàn viên, là sự trở về của những đứa con.

Năm 2020, tôi không còn ý nghĩ trốn Tết đi du lịch. Thế nhưng, dịch bệnh khiến tôi không thể trở về bên mẹ. Cuối năm, tôi có một chuyến công tác ở Hải Dương. Khi ấy Hải Dương là tâm dịch và tôi trở thành F1. Tôi phải ăn Tết trong khu cách ly. Dù ở đây, cũng có bánh chưng xanh, cũng có mứt, có đầy đủ các món ăn như một cái Tết bên mẹ.

Nhưng thời khắc Giao thừa gọi điện về cho mẹ, cả mẹ và tôi đều khóc. Tôi khóc nức nở vì dịch bệnh mà không thể đoàn viên. Khi đó, tim tôi như vỡ vụn. Đúng là chỉ những người con xa quê mới thấy khoảnh khắc Giao thừa không được quây quần cùng gia đình nó tủi thân như thế nào.

Năm nay, lại một mùa xuân mới nữa đến - xuân Nhâm Dần - với tôi chắc chắn Giao thừa là thời khắc đoàn viên.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang