GlobalGAP: Nâng cao năng suất chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp

author 11:16 13/07/2014

(VietQ.vn) - Nâng cao năng suất chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn là mục tiêu mà cả cộng đồng nhân loại đang hướng tới và GlobalGAP là một giải pháp.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nuôi trồng nông sản thực phẩm là mắt xích đầu tiên của chuỗi cung cấp thực phẩm, vì thế việc đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản thực phẩm có ý nghĩa vô cùng quyết định cho sự an toàn vệ sinh của thực phẩm trên bàn ăn.

Hiệp hội GlobalGAP cung cấp tiêu chuẩn và khuôn khổ cho chứng nhận bên thứ 3 độc lập đối với các quá trình sản xuất tại các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chỉ thừa nhận các tổ chức chứng nhận được công nhận năng lực theo tiêu chuẩn ISO/IEC Guide 65 hoặc EN 45011. Đến nay, GlobalGAP có sự tham gia của hơn 100 tổ chức chứng nhận từ khoảng 80 quốc gia khác nhau. Mục tiêu cuối cùng của GlobalGAP là phát triển nông nghiệp một cách bền vững trên các quốc gia thành viên.

GlobalGAP là công cụ quản lý trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; đảm bảo vệ sinh an toàn cho nông sản thực phẩm; hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản; sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lực sản xuất nông nghiệp; làm giàu nông dân và phát triển nông thôn; bảo vệ môi trường và cảnh quan chung.

Globalgap nông nghiệp

Đây là mô hình GlobalGAP vườn trồng chuyên canh gắn với nhà đóng gói đúng quy chuẩn đầu tiên ở Bến Tre. Ảnh minh họa

Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP là công cụ kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa nhà sản xuất với người cung ứng nông sản thực phẩm, vì thế nó không hướng tới việc gắn nhãn trên sản phẩm dành cho người tiêu dùng cuối cùng, mà quan tâm tới sản lượng và địa điểm sản xuất. Bằng việc đăng ký số GGN (Global GAP Number), cung cấp và cập nhật thông tin của nhà sản xuất đã được chứng nhận trên Cơ sở dữ liệu của GlobalGAP, nhà cung cấp sẽ có cơ hội tự giới thiệu về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, phương thức sản xuất, mức độ an toàn, mùa thu hoạch và sản lượng của sản phẩm của mình. Bằng việc trở thành thành viên để có quyền truy cập hệ thống dữ liệu này, các nhà cung cấp có thể tìm kiếm nguồn hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi và tin cậy.

Về cơ bản, thủ tục chứng nhận sẽ do các tổ chức chứng nhận xây dựng phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC Guide 65 hoặc EN 45011 (nghĩa là tổ chức chứng nhận phải được công nhận) và đáp ứng các quy định riêng của Global GAP (nghĩa là tổ chức chứng nhận phải được Global GAP phê duyệt).

Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường Việt Nam là người sản xuất nông nghiệp không muốn thực hiện và duy trì cách thức nuôi trồng nông sản thực phẩm an toàn vì chi phí cao nhưng lại không dễ dàng bán được giá cao hơn so với sản phẩm không an toàn; trong khi người tiêu dùng lại cho rằng họ sẵn sàng trả giá cao nếu biết sản phẩm mình mua thực sự là an toàn, nhưng tự người tiêu dùng không có cách để xác minh xem sản phẩm nào là an toàn.

Một thực tế khác đang diễn ra trên thị trường quốc tế là, ngay cả những sản phẩm xuất khẩu có tiếng của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, tôm, cá basa... có giá bán thường thấp hơn so với một số nước khác vì bị ép giá do không đồng đều và ổn định chất lượng, không rõ nguồn gốc, sản lượng không lớn, chậm gom hàng... Đã không bán được giá cao lại còn bị kiện vì bán phá giá và bị rút "cô-ta" ở một số thị trường. Điều này cho thấy nếu nông sản Việt Nam cứ tiếp tục cạnh tranh bằng giá thì không những chúng ta không thể có lãi suất cao để duy trì chất lượng thương hiệu mà còn có nguy cơ tự đánh mất uy tín thị trường.

Để có lòng tin lâu dài của người tiêu dùng, nhà sản xuất nông nghiệp phải xây dựng, duy trì và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình thông qua 4 nhóm hoạt động như xây dựng, áp dụng và chứng nhận quy trình nuôi trồng an toàn trong trang trại theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP; xây dựng cơ chế, cách nhận biết và truy xét nguồn gốc sản phẩm (ghi chép và lưu hồ sơ về nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất trong trang trại và khách hàng mua sản phẩm đầu ra); hoạt động này nên được tiến hành lồng ghép với việc kiểm soát hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn. Thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại trong nước và quốc tế (nếu cần) và các biện pháp thực tiễn để chống hàng giả, hàng nhái; thực hiện các giải pháp tiếp thị hữu hiệu để kết nối với thị trường (hệ thống phân phối, thông tin trên nhãn/ bao bì, quảng cáo, triển lãm, hội thảo, hoạt động xã hội/công ích…)

Chứng nhận Global GAP được coi là cây cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng để kết thúc câu chuyện "quả trứng có trước hay con gà có trước". Nếu người tiêu dùng chỉ muốn mua sản phẩm an toàn thì nhà sản xuất phải đáp ứng, và ngược lại, nếu nhà sản xuất dám khẳng định về sự an toàn và uy tín thương hiệu sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới có niềm tin để trả giá cao hơn. Niềm tin của người tiêu dùng chỉ đến khi họ mắt thấy tai nghe, hoặc thông qua kết quả đánh giá, khẳng định của một bên thứ 3 có năng lực và độc lập (tổ chức chứng nhận).

Nói cách khác, áp dụng và chứng nhận hệ thống "Thực hành Nông nghiệp tốt" theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP là giải pháp nền tảng để nhà sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm của mình. Vì thế, những nhà sản xuất không ngoan sẽ coi chi phí cho hoạt động, áp dụng và chứng nhận GlobalGAP hay VietGAP là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững chứ không phải là chi phí cho sản phẩm.

Duy Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang