Hà Nội nghiêm cấm để thực phẩm không rõ nguồn gốc thâm nhập trường học

author 15:32 02/12/2022

(VietQ.vn) - Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong trường học mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hà Nội đã ra công văn yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 4.350 bếp ăn tập thể trường học, trong đó có 3.911 trường tự tổ chức nấu ăn, còn lại ký hợp đồng với các nhà thầu cung cấp dịch vụ ăn uống là 353 trường.

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP), 4.493 bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn tập thể khu công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở, với số tiền phạt là 132 triệu đồng. Đặc biệt trong năm 2022, Hà Nội tập trung kiểm soát ATTP bếp ăn trường học tại 5 quận, 5 huyện với 215 trường trọng tâm truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Hà Nội yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội, qua việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm đảm bảo ATTP đối với các bếp ăn tập thể trường học và chọn được những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đưa vào các bếp ăn phục vụ cho học sinh. Bên cạnh đó cũng để hạn chế vấn đề ngộ độc thực phẩm xảy ra, ngăn ngừa các bệnh lây qua đường thực phẩm.

Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tập trung rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người…, nhất là truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm. Chính quyền các cấp, ngành Công thương, Nông nghiệp cần quyết liệt trong quá trình truy xuất nguồn gốc bởi các đơn vị cung ứng thực phẩm, lấy nhiều nguồn hàng từ nội địa, ngoại địa nhập vào bếp ăn trường học, không để xảy ra sự cố mất ATTP trong trường học.

Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các bếp ăn trường học theo phân cấp. Qua kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm về ATTP, có thể yêu cầu nhà cung cấp dừng ngay việc cung ứng thực phẩm, suất ăn đối với bếp ăn trường học. Với các nhà trường phải bảo đảm những thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đơn vị cung cấp phải chấp hành các quy định về ATTP.

Liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành văn bản gửi các đơn vị, trường học yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong nhà trường về an toàn thực phẩm.

Bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Hiểu đúng, tìm hiểu kỹ các thông tin về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học.

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.

Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học có bán trú. Khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động các lực lượng trong nhà trường tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh tại đơn vị.

Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể

Theo Thông tư 30/2012/TT - BYT Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kinh doanh thức ăn đường phố, điều kiện an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể được quy định như sau:

Yêu cầu địa điểm, môi trường của cơ sở

Tại các khu vực dùng để chế biến và ăn uống phải đảm bảo không bị ngập úng, đọng nước, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như: côn trùng, động vật, vi sinh vật gây hại. Đặc biệt, không bị ảnh hưởng bởi các khu vực bị ô nhiễm bụi, hóa chất hay những nguồn độc hại khác.

Yêu cầu thiết kế, bố trí

Đơn vị phải đảm bảo có các khu vực cần thiết và riêng biệt như: khu sơ chế nguyên liệu, thực phẩm; khu chế biến nấu nướng; khu bảo quản thức ăn; khu lưu trữ có đóng gói riêng biệt; khu ăn uống và khu vệ sinh.

Yêu cầu đối với nguyên liệu thực phẩm và trang thiết bị, dụng cụ

Những nguyên liệu thực phẩm, chất phụ giá, chất hỗ trợ chế biến hay chất bảo quản,... tất cả phải đảm bảo xuất xứ rõ ràng, nguồn gốc cũng như giấy phép đầy đủ và cho phép sử dụng theo quy định.
Trang thiết bị và dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm cần đảm bảo an toàn và được làm từ các vật liệu không gây ô nhiễm môi trường.

Yêu cầu đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm

Chủ đơn vị bếp ăn tập thể và nhân viên trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn cũng như cấp giấy phép xác nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Yêu cầu đối với bảo quản thực phẩm trong quá trình sản xuất

Với những nguyên liệu, bao bì và thành phần thực phẩm phải đảm bảo bảo quản trong khu vực chứa đựng, kho riêng và diện tích đủ rộng.

An Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang