Hà Nội quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín

author 12:47 04/11/2023

(VietQ.vn) - Triển lãm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các nghệ nhân, chuyên gia, nhà thiết kế trẻ trên địa bàn huyện Thường Tín và thành phố Hà Nội là dịp để công chúng chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường.

Nhiều sản phẩm sáng tạo, tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường

Tối 3/11/2023, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín (Hà Nội), Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp UBND huyện Thường Tín khai mạc Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo huyện Thường Tín- thành phố Hà Nội năm 2023.

 Nghi thức khai mạc khai mạc Triển lãm tại huyện Thường Tín- Hà Nội 

Đây là triển lãm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, mẫu thiết kế mới, sáng tạo của các nghệ nhân, chuyên gia, nhà thiết kế trẻ trên địa bàn huyện Thường Tín và thành phố Hà Nội.

Triển lãm có sự tham gia của của các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các Hội, hiệp hội ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thường Tín với quy mô 3.000m2, gồm khu trưng bày sản phẩm, mẫu thiết kế thủ công mỹ nghệ mới và 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu khoảng 500 - 600 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các nghệ nhân và làng nghề tiêu biểu tại huyện Thường Tín và trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại gian hàng của làng nghề sơn mài Hạ Thái, ông Nguyễn Hùng Chiêu- Giám đốc Công ty An Huy của làng nghề cho biết, tham gia triển lãm lần này, công ty ông mang đến nhiều sản phẩm mới với thiết kế sáng tạo, độc đáo. “Triển lãm giúp cho những sản phẩm sáng tạo của chúng tôi đến được gần hơn với công chúng, người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm truyền thống làng nghề- ông Chiêu cho hay.

Một gian hàng đặc biệt thu hút sự quan tâm của khách tham quan Triển lãm, đó là gian hàng của Công ty Musa Pacta với các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như: túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm, dép,… được làm từ sợi chuối, áo phông được làm từ tơ chuối. Giám đốc Công ty Musa Pacta Bùi Khánh Dũng chia sẻ, là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sợi từ thân cây chuối, doanh nghiệp mới, đi con đường chưa ai đi nên còn gặp nhiều khó khăn.

 Giám đốc Công ty Musa Pacta Bùi Khánh Dũng (bên phải) giới thiệu với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải và các đại biểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ sợi chuối 

Thăm gian hàng của Công ty Musa Pacta, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội rất tâm đắc với những sản phẩm làm từ sợi chuối của công ty, và cho rằng, đây là mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất tốt, cần được khuyến khích, bởi thân thiện với môi trường, là sản phẩm rất thích hợp với nền kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, không chỉ tạo thêm việc làm mà còn tạo ra thu nhập cho các hộ nông dân từ chính nguồn nguyên liệu có sẵn ở ngay trên mảnh đất của mình.

Bên cạnh hoạt động triển lãm, trong 3 ngày diễn ra chương trình còn có các hoạt động trải nghiệm, trình diễn nghề thủ công truyền thống của các làng nghề như sơn mài Hạ Thái; thêu tay Dũng Tiến, Thắng Lợi; điêu khắc gỗ Hiền Giang… Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội và Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.

Gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống

Phát biểu tại lễ khai mạc, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, Triển lãm là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao của nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thông qua Triển lãm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội nói chung và trên địa bàn huyện Thường Tín nói riêng có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo và đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế, cũng như từ các thiết kế này phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội và Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023- bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

 Sản phẩm làng nghề nón lá truyền thống làng Chuông của nghệ nhân Tạ Thu Hương với nhiều mẫu mã sáng tạo. 

Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống và một làng nghề Hà Nội.

Nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành từ rất sớm mà tên làng gắn liền với sản phẩm như: Lược sừng Thụy Ứng; bánh dày Quán Gánh; sơn mài Hạ Thái; thêu Quất Động, Thắng Lợi, Dũng Tiến; tiện Nhị Khê; điêu khắc gỗ, đá Nhân Hiền; gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm… Đặc biệt, nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong thời gian qua, huyện Thường Tín luôn quan tâm đến công tác duy trì và phát triển nghề truyền thống cũng như đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hằng năm, huyện hỗ trợ từ 300 - 500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.

Bên cạnh công tác quảng bá, Triển lãm cũng góp phần khuyến khích, định hướng cho các tác giả sáng tác, thiết kế các sản phẩm vừa mang tính ứng dụng vừa có giá trị thẩm mỹ cao; hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

“Các hoạt động thiết kế, sáng tạo, hội chợ, triển lãm sẽ góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát triển hơn nữa các giá trị của làng nghề truyền thống”- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang