Hà Tĩnh: Làng nghề làm bánh đa nem tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2023

author 16:58 21/01/2023

(VietQ.vn) - Làng nghề bánh đa nem có tuổi đời 50 năm tại Hà Tĩnh trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán lại hối hả hoàn thiện thành phẩm để kịp cung ứng ra thị trường tiêu dùng.

Nem rán là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình Việt Nam. Do đó, trong những ngày chuẩn bị bước sang năm mới Quý Mão 2023, làng nghề làm vỏ ram - một loại bánh đa nem đặc biệt chỉ có ở Hà Tĩnh với tuổi đời lên tới 50 năm, vẫn miệt mài ngày đêm hoàn thiện thành phẩm để kịp cung ứng ra thị trường. Nguyên liệu chính để làm lá ram phải là gạo khang dân. Bởi loại gạo này sau khi tiến hành ngâm và xay tạo bột có độ mịn vừa phải cùng một 1 ít xơ để tạo nên sự liên kết khi làm bánh. Sau đó người ta trộn cùng một ít mật mía rồi mang trải lên từng tấm phên đan bằng tre, tiếp theo bánh sẽ mang bánh đi phơi sương để có độ mềm dẻo nhất định. Nhờ đó, bánh sẽ dễ cuốn hơn, lúc rán có màu vàng, giòn thơm và không ngấm mỡ. Đặc biệt, sản phẩm được làm bằng nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản nên sử dụng cũng tương đối dễ. Có thể bỏ vỏ ram trong ngăn đá của tủ lạnh. Khi dùng chỉ cần lấy ra và để nguyên trong túi chừng 10 phút thì bánh sẽ mềm dẻo như ban đầu. Với hương vị đặc biệt và thơm ngon như vậy, vỏ ram Hà Tĩnh trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước. 

 Những chiếc nem được cuốn từ vỏ ram Hà Tĩnh thơm ngon và đẹp mắt. Ảnh minh họa

Lá ram được sản xuất ở nhiều vùng tại Hà Tĩnh, tuy nhiên nổi bật nhất là ở xã Thạch Hưng, Tp.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Thời tiết trong những ngày cận tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mưa nhiều kèm theo không khí lạnh tăng cường khiến các hộ dân tại làng nghề  này không thể phơi bánh ngoài trời. Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2023 tăng mạnh, để kịp giao cho khách hàng, các hộ dân đã phải đốt lửa để hong bánh cho khô.

 Thời tiết có mưa kèm theo không khí lạnh tăng cường khiến nhiều hộ dân phải đốt lửa hong vỏ ram. Ảnh minh họa

Bà Trần Thị Thanh, một người thợ lành nghề tại xã Thạch Hưng (Hà Tĩnh) chia sẻ, trong những dịp lễ Tết như thế này, toàn bộ các thành viên trong gia đình gần như làm việc không ngớ tay. Hàng ngày họ phải thức dậy từ 3 giờ sáng để tráng bánh, tới 5 giờ mang đi phơi. Tầm 11 giờ khô thì đem về cắt, đóng gói đến chiều tối để kịp giao cho khách, không có thời gian nghỉ ngơi đủ giờ giấc. Phải luôn trông coi kĩ càng và tỉ mỉ, nếu để mưa đổ xuống, nước dính vào bánh thì coi như cả mẻ vừa làm đều bỏ đi. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023 này, trung bình mỗi ngày gia đình bà Thanh sản xuất được 200 – 300 tệp bánh, tương đương với 150kg – 200kg gạo/ngày được sử dụng. 

 Những hộ dân tại xã Thạch Hưng (Hà Tĩnh) tận dụng những khoảng sân trống để phơi ram

Những đường thôn, xóm ít người qua lại hoặc các khoảng đất trống được người dân tận dụng để phơi bánh, từng phên vỏ ram xuất hiện ở khắp nơi trong xã Thạch Hưng (Hà Tĩnh). Gia đình chị Oanh cũng là một trong những hộ sản xuất vỏ ram lâu đời ở đây, trong những ngày cuối năm đầy bận rộn, chị đã phải thuê thêm 3 nhân công tăng cường. Sản phẩm vỏ ram Hà Tĩnh thường được người dân tại địa phương tiêu thụ và các chợ trên địa bàn nhập sỉ cho khách hàng các tỉnh trên khắp cả nước, chủ yếu là thị trường miền Nam. Một tệp vỏ ram thường được đóng gói 100 chiếc, kích thước vuông 18cm x 18cm với giá bán thông thường là 13.500 đồng, tuy nhiên vào dịp Tết, giá cả sẽ tăng lên khoảng 15.000 đồng – 16.000 đồng/tệp. 

 Vỏ ram Hà Tĩnh được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Ảnh minh họa

Mặc dù xã Thạch Hưng nổi tiếng với nghề làm vỏ ram Hà Tĩnh là vậy, tuy nhiên quy trình sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, bởi người dân nơi đây phơi bánh bằng phương pháp hoàn toàn thủ công và phải phụ thuộc vào thời tiết. Bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thạch Hưng chia sẻ: ”Hiện chúng tôi đã làm hồ sơ xin cấp chứng nhận thương hiệu tập thể bánh đa nem Thạch Hưng. Để làng nghề phát triển, ổn định kinh tế cho người dân rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp, đặc biệt là hướng đi, đầu ra ổn định cho sản phẩm”. Có lẽ, về lâu dài, nếu làng nghề sản xuất vỏ ram tại xã Thạch Hưng được cấp chi phí đầu tư hệ thống lò sấy, giải quyết được vấn đề về thời tiết, đảm bảo hoạt động sản xuất thường xuyên thì sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ dân và người lao động trên địa phương. Bên cạnh đó, còn góp phần gìn giữ và phân bố rộng rãi sản phẩm vỏ ram mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Hà Tĩnh.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang