Hám rẻ, tham lợi người tiêu dùng mua dầu ăn kém chất lượng

author 07:20 06/10/2012

(VietQ.vn) - Nhiều hàng ăn vỉa hè vẫn ngày ngày sử dụng dầu ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến các món ăn bày bán cho khách.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 35 doanh nghiệp kinh doanh dầu thực vật với khoảng 70 nhãn hàng khác nhau. Trong đó, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân chiếm thị phần lớn nhất với 35%. Công ty CP Dầu thực vật Tường An chiếm thị phần lớn thứ hai với 25%. Phần còn lại chia đều cho các doanh nghiệp còn lại.

Theo đánh giá của Hội Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, dầu ăn chiếm tới 29% cơ cấu thực phẩm tiêu dùng Việt Nam hàng năm và chỉ đứng sau mì ăn liền. Năm 2011, người dân tiêu thụ đạt khoảng 695.000 tấn. Năm 2012, sức tiêu thụ ước tính đạt khoảng 1 triệu tấn. Mặc dù số lượng dầu tiêu thụ ngày càng lớn nhưng theo ước tính, một người dân Việt Nam năm 2011 tiêu thụ khoảng 7,3kg - 8,3kg/người/năm. Trong khi mức bình quân của thế giới là 13,5kg/người/năm. Nước ta đang phấn đấu đến năm 2015, tiêu thụ dầu thực vật Việt Nam đạt khoảng 14,5kg/người/năm và tới 2020, mức tiêu thụ sẽ vào khoảng 18,6 - 19,9 kg/người/năm.

Nên sử dụng chai thủy tinh để chứa dầu ăn, tránh bị phai các hợp chất trong bình chứa. Ảnh: Minh họa
Nên sử dụng chai thủy tinh để chứa dầu ăn, tránh bị phai các hợp chất trong bình chứa. Ảnh: Minh họa

Hiện tại, cơ cấu tiêu thụ dầu ăn ở nước ta có tới 65% là dầu cọ, gần 30% dầu nành. Chỉ có khoảng 25% dầu thực vật tiêu thụ trên thị trường là có thương hiệu; còn lại là dầu loại xá – thải loại và chế biến lại rồi được đóng chai bán cho các bếp ăn tập thể, vùng nông thôn, nhà hàng, quán ăn…

 
Hé lộ đường dây chuyên sản xuất dầu ăn giá rẻ, chất lượng kém:
 
Chiều 29/3, tổ công tác CAP Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong khi làm nhiệm vụ trên địa bàn đã phát hiện, kiểm tra 1 thanh niên đi xe máy chở theo 5, 6 bình nhựa đựng chất nước màu vàng có biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra sơ bộ, những vỏ bình nhựa đó có nhãn hiệu dầu ăn “Simply”, “Neptune”. Thanh niên vận chuyển khai nhân thân là Nguyễn Văn Giảng, SN 1984, quê Bình Lục, Hà Nam, tạm trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ban đầu, Giảng khai chất lỏng màu vàng trong các bình nhựa trên là dầu ăn. Anh ta mua của các đại lý sau đó đi bán lẻ tận các hộ gia đình để ăn chênh lệch. Tuy nhiên qua giám định sơ bộ, CAP Đồng Nhân xác định chất lỏng màu vàng trên không phải là dầu ăn. Nguyễn Văn Giảng khi đó đã phải khai nhận, anh ta đã “chế” dầu ăn theo công thức phẩm màu, nước lã và một chút dầu ăn thật, sau đó đóng vào các bình “Simply”, “Neptune”, để mang đi tiêu thụ.
Phối hợp cùng CQĐT CAQ Hai Bà Trưng, CAP Đồng Nhân đã thực hiện lệnh khám xét nơi tạm trú của Giảng, thu được các nguyên liệu phục vụ “chế” dầu ăn của đối tượng này. Giảng khai bắt đầu “chế” dầu ăn từ sau Tết nguyên đán, và đã bán được gần 20 bình với giá 100.000 đồng/ bình. Số vỏ bình, Giảng đi thu mua của những người hành nghề đồng nát. 
 

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù các sản phẩm dầu ăn có tên tuổi trên thị trường hiện nay được cơ quan chức năng quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, về dinh dưỡng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được đưa ra thị trường lưu thông.

Vì ham rẻ, nhiều người tiêu dùng (NTD) lại không lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu, địa chỉ, chứng nhận an toàn… mà đi chọn những sản phẩm thải loại, không nhãn mác và nguy cơ gây ung thư cao.

Những sản phẩm dầu ăn được “xá” lại – thải loại và không đảm bảo chất lượng, thậm chí, do dùng đi dùng lại nhiều lần, nhiệt độ nóng quá cao, nhiều tạp chất xúc tác và bảo quản không hợp lý, các dầu xá đó tiềm ẩn nhiều chất độc, chất có hại cho sức khỏe, kể cả có thể gây ung thư cho người dùng.

Để tiết kiệm, một số lượng không nhỏ người nội trợ có thói quen sử dụng dầu ăn đã được chiên nhiều lần trước đó. Tuy nhiên, khi dầu bị đun nóng nhiều lần, thành phần hoá học sẽ thay đổi: Vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy và sẽ xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide...

Những chất này khi đi vào cơ thể, sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao... Nếu thường xuyên sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần, nguy cơ  mắc bệnh ung thư sẽ rất cao.

Theo điều tra của PV Chất lượng Việt Nam, nhiều sản phẩm dầu ăn có chất lượng lại không được người tiêu dùng lựa chọn mà họ đi chọn những sản phẩm thải loại, không nhãn mác và nguy cơ gây ung thư cao, tiếp tay cho gian thương làm liều, kiếm lời bất chính. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cửa hàng nhỏ lẻ bán đồ ăn, đồ nhậu ở các vỉa hè. 

Một chủ quán bán đồ ăn vỉa hè trên phố Tô Hiệu (Hà Nội) thừa nhận, vì hám rẻ và tham lợi các chủ quán đồ ăn nhanh như xúc xích, nem chua rán vẫn mua các loại dầu không có tem nhãn của các hãng chính hãng về sử dụng. "Vẫn biết là các loại dầu ăn này chất lượng không đảm bảo song nếu mua dầu ăn ở các siêu thị thì lời lãi chả còn bao", người phụ nữ có hơn 5 năm kinh nghiệm bán hàng ăn vỉa hè này thừa nhận.

Nhiều người dân vẫn chọn dầu ăn thải loại, tái chế để sử dụng. Ảnh: Minh họa
Nhiều người dân vẫn chọn dầu ăn thải loại, tái chế để sử dụng. Ảnh: Minh họa

Dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ dễ bị ôxy hóa do tiếp xúc với ôxy từ bên ngoài môi trường. Điều này không chỉ dẫn đến sự thay đổi bất lợi về mùi vị và màu sắc của món ăn mà còn gây các bệnh lý mãn tính liên quan đến phản ứng ôxy hóa như tiểu đường, tim mạch... Thực phẩm khi chiên với dầu mới sẽ cho màu tươi, thơm ngon, còn với dầu chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có màu vàng sậm, không hấp dẫn và không an toàn cho sức khỏe.

 

BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh Dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, dầu ăn là thực phẩm dễ bị ôxy hóa các axít không no, nếu đun ở nhiệt độ cao nhiều lần, khi xâm nhập cơ thể sẽ gây tổn thương các tế bào, dễ tạo thành những khối u, gây ung thư. Còn khi ăn phải các thực phẩm cháy, vỡ vụn là đưa vào cơ thể các chất phosphor, lưu huỳnh, sẽ rất độc hại.

Một ví dụ gần đây cho thấy, cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện được nhiều cơ sở sản xuất, chế biến – xá lại dầu ăn đã qua sử dụng để bán cho các nhà hàng, khách sạn, các quán cơm bình dân và nhiều người dân. Các sản phẩm đó đã được “chế” lại tuy nhiên mầu sắc và chất lượng của nó không còn được như sản phẩm ban đầu.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng giá của các sản phẩm dầu ăn trên thị trường hiên nay quá đắt, khiến người tiêu dùng phải lựa chọn các sản phẩm thải loại, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm? Thế nhưng thực tế lại không phải vậy bởi 5 lít dầu ăn nhãn hàng Neptun chỉ có giá trên 200 ngàn đồng. Với gia đình gồm 2 vợ chồng và hai con nhỏ, dùng nhiều lắm thì 3 tháng mới hết bình dầu ăn như kết trên.

Tuy nhiên, theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn thích xài hàng rẻ tiền dù biết “của rẻ là của ôi”. Vì rẻ tiền mà không ít người đã “bước qua” sức khỏe của mình, của gia đình, cộng đồng và tiếp tay cho gian thương làm bừa, kiếm lời bất chính.

Hiện tại, đại đa số người tiêu dùng hiện nay đã tin tưởng và sử dụng các sản phẩm dầu ăn có thương hiệu, nhãn hiệu thường thấy trên thị trường như Marvela, Neptune, Cánh Buồm, Mêzan, Tường An…Thế nhưng, có không ít người lại chọn cách mua dầu ăn không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ.

Các loại dầu ăn trên thị trường hiện nay

Dầu đậu phộng

Là loại dầu được dùng cho nhiều mục đích, nhưng tuyệt nhất vẫn là chiên vì nó có thể chịu nhiệt độ đến 220ºC. Dầu đậu phộng có mùi vị dễ chịu, thích hợp cho cả các món mặn và ngọt.

Dầu vừng

Dầu làm từ vừng rang có mùi rất thơm và chịu nhiệt cao, tuy nhiên nếu đun nóng quá thì nó cũng bị biến chất. Tốt hơn là dùng nó khi đã nấu nướng xong hoặc chỉ để nêm nếm. Dầu vừng dùng tốt nhất trong các món hầm, ướp và chế biến hải sản. Có hai loại dầu vừng: đen và trắng. Dầu vừng trắng có hương vị, màu sắc hấp dẫn nên tốt cho các món trộn, sốt. Dầu vừng đen có mùi mạnh hơn một chút, rất phù hợp khi bạn cần thêm hương vị cho món ăn, đặc biệt là các món Á.

Dầu dừa

Được chiết xuất bằng cách sấy khô cùi dừa, dầu dừa có thể dùng cho nhiều mục đích nhưng tốt nhất là khi nấu nướng ở nhiệt độ cao. Dầu đặc lại ở nhiệt độ phòng, nhưng hóa lỏng khi đun nóng nhẹ. Nếu Bạn muốn thử nghiệm với dầu dừa, hãy thử dùng nó thay cho các loại dầu khác trong các món nướng hoặc sử dụng để thêm sự tinh tế  cho các món ăn chính. Cuối cùng, dầu dừa cũng là một loại kem dưỡng ẩm tuyệt vời cho làn da và mái tóc của phụ nữ.

Dầu thực vật

Dầu thực vật là hỗn hợp của dầu ngô, dầu cây rum, dầu hạt cải và các loại dầu khác. Nó được các bà nội trợ sử dụng khá thông dụng trong nấu nướng hàng ngày. Với đặc tính chịu nhiệt cao, dầu thực vật rất phù hợp để chiên. Ngoài ra nó cũng hoàn hảo cho món nướng và giúp giữ độ xốp và ẩm cho bánh ngọt.

Dầu bắp

Dầu bắp có hương vị nhẹ dùng cho chiên xào (nhiệt độ cao nhất cho phép là 180ºC), dùng trong chiên bằng chảo và nêm nếm, ngoài ra, nó còn được dùng để bôi trơn và phết lên món nướng. Hương vị nhẹ cũng biến nó trở thành một sự lựa chọn đặc biệt tốt cho việc nướng bánh.  

Dầu hạt cải

Khi bạn muốn nấu ăn với một loại dầu không bão hòa nhưng không muốn thêm hương vị của dầu ô liu vì nó hơi hắc thì bạn có thể lựa chọn dầu hạt cải. Nó có vị hơi nhạt và chịu nhiệt khá cao, tốt cho các món sốt, chiên, nướng bánh và trộn salad.

Dầu ô liu

Những tác dụng tích cục của dầu ô liu đối với sức khỏe là điều không thể phủ nhận. Dầu ô liu được ép từ quả ô liu nên có chất lượng cao về dinh dưỡng và khẩu vị. Nó thích hợp với các món salad, mì ống… Dầu ô liu sẽ mất nhiều hương vị khi gặp nhiệt độ cao, vì thế hãy lưu trữ nó trong ngăn mát của tủ lạnh, bạn có thể sử dụng chúng trong vòng 6 tháng sau khi mở nắp.

Dầu hướng dương

Là một loại dầu ăn chứa cả chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn, dầu hướng dương thường được dùng để nấu hay chiên xào. Tuy nhiên do không chịu được nhiệt độ quá cao, bạn chỉ nên dùng nó ở những công thức nấu ăn nhanh để không làm mất đi sự thơm ngon cũng như dinh dưỡng của món ăn.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang