Mánh khóe 'bẩn' của cơ sở giả hiệu Tôn Hoa Sen

author 12:17 07/02/2015

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng đã thụ lý đơn kiện của tập đoàn Hoa Sen với cơ sở Hồ Tất Minh vì hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Tôn Hoa Sen.

Theo tin tức báo Nguoilaodong, ngày 6/2, công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết đơn khởi kiện của tập đoàn đối với Cơ sở Hồ Tất Minh, đơn vị sở hữu Nhà máy cán tôn Thành An II (ấp Thạnh Nam, Thạnh Tây, Tân Biên, Tây Ninh), vì đã xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Tôn Hoa Sen đã được thụ lý.

Ông Huỳnh Thanh Trúng, người đại diện của Tập đoàn Hoa Sen trong vụ kiện, cho biết logo và nhãn hiệu các sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen đã được bảo hộ tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Hàng giả thường mượn logo hàng thât để thu hút khách hàng

Hàng giả thường mượn logo hàng thât để hút khách, Tôn Hoa Sen mới phải khởi kiện 1 cơ sở vì 'mượn' logo không xin phép. Ảnh Tiền Phong

Cơ sở Hồ Tất Minh lại  sử dụng nhãn hiệu và logo Hoa Sen Group in trên các bảng báo giá gửi khách hàng. Biết được sự việc, tập đoàn Hoa Sen đã yêu cầu Cơ sở Hồ Tất Minh chấm dứt hành vi trên nhưng không nhận được sự hợp tác từ đối phương. Hành vi của cơ sở Hồ Tất Minh là hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa  và Tập đoàn Hoa Sen phải khởi kiện để bảo vệ quyền lợi.

Trước đó, trên thị trường xuất hiện nhiều trường hợp tôn giả được gắn mác thương hiệu các hãng tôn uy tín rồi đem lưu hành trên thị trường, trong đó nhãn hiệu Tôn Hoa Sen từng bị làm giả nhiều lần.

Mánh khóe của các đại lý, cửa hàng bán tôn là sau khi nhập tôn về kho nếu khách hàng có nhu cầu mua tôn từ các nhãn hiệu lớn trong nước các cửa hàng sẽ lấy xăng hoặc cồn lau toàn bộ dòng chữ dập nổi trên tôn rồi dùng máy in đè tên, nhãn hiệu các hãng tôn mà khách đặt. Một trong thương hiệu tôn bị làm giả là nhãn hiệu tôn Hoa Sen.

Dây chuyền sản xuất Tôn Hoa Sen đươc thực hiện cẩn thận và tỉ mỉ dễ phân biệt so với hàng giả

Dây chuyền sản xuất Tôn Hoa Sen đươc thực hiện cẩn thận và tỉ mỉ dễ phân biệt so với hàng giả. Ảnh Nguoilaodong

Cũng liên quan thực trạng hàng giả hàng nhái, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, hiện nay hàng giả xuất hiện như một ngành công nghiệp với quy mô lớn, ở Việt Nam mặt hàng thường bị làm giả gồm: Hàng điện tử, điện lạnh, vật liệu xây dựng, mỹ phẩm, dược liệu, thuốc thú y, nước giải khát…

Để bảo vệ thương hiệu chống hàng giả hàng nhái theo ông Bảo doanh nghiệp tôn thép nên đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế và kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm, thiết kế kênh phân phối riêng, niêm yết địa chỉ các đại lý chính hãng, áp dụng luật cạnh tranh, theo báo Giáo dục Việt Nam.

Phương Khanh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang