Hàng kém chất lượng qua biên giới: Còn nhiều lỗ hổng

author 12:10 04/06/2012

(VietQ.vn) - Hiện nay, phần lớn hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu tràn vào thị trường trong nước chủ yếu qua các tuyến biên giới. Xung quanh thực trạng này, PV Chất Lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lương Minh Thảo - Phó cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49), Bộ Công an.

Theo Đại tá Thảo, trên địa bàn cả nước nói chung và các tuyến trọng điểm nói riêng, qua công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm về môi trường, cơ quan công an đã bắt giữ, triệt phá nhiều vụ án lớn.

 
 
Xu hướng vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tăng rất nhanh. Năm 2011, có gần 1.200 vụ vi phạm bị xử lý, trong đó, lực lượng Công an trực tiếp xử lý 135 vụ, 33 tổ chức, 88 đối tượng, phạt hành chính 1,5 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2012, lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện 409 vụ vi phạm pháp luật về ATVSTP, đề xuất xử lý 253 vụ, với 300 cá nhân, 120 tổ chức, phạt 1,5 tỷ đồng, chuyển các cơ quan khác 179 vụ xử lý theo thẩm quyền. Như vậy, có thể nói tội phạm trong lĩnh vực này chưa giảm.
 
Phương thức, thủ đoạn hoạt động, bên cạnh các hành vi vi phạm có tính chất truyền thống như: sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vận chuyển kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch, sử dụng thức ăn, hóa chất, chất phụ gia cấm sử dụng... thì đã xuất hiện một số thủ đoạn mới như tình trạng phá kẹp chì container để lấy thực phẩm đông lạnh tạm nhập, tái xuất rồi tiêu thụ trong nội địa, sử dụng hoá chất độc hại trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm như: chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn, xút công nghiệp để tinh luyện dầu dừa, phẩm màu công nghiệp có chứa Rhodamine B (có khả năng gây ung thư) trong sản xuất ớt bột và hạt dưa... (Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý - Cục trưởng C49 - Nguồn: Chinhphu.vn)
 
Tình trạng mua trứng gà Việt Nam đưa về Trung Quốc ướp muối rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn xuất hiện ở mọi nơi. Việc các nhà sản xuất, kinh doanh "dìm" hàng cũng khiến thị trường trở nên khan hiếm một cách giả tạo.
 
Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng bị chi phối bởi tình trạng kém vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số lượng lớn các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tuồn từ biên giới qua các cửa khẩu hải quan, qua các trạm tuần tra kiểm soát ở các tuyến trọng điểm như Quảng Ninh, Lào Cai… tràn về thị trường nội địa. 
 
Ông đánh giá thế nào về hiện trạng nội tạng  gia súc, gia cầm và nhiều sản phẩm khác từ Trung Quốc được bày bán tràn lan trên thị trường Việt Nam?
 
Hiện nay tình trạng mua bán "nội tạng" gia súc, gia cầm xảy ra rất nghiêm trọng. Nội tạng không phải ở Trung Quốc đưa sang là chính mà chủ yếu qua con đường tạm nhập tái xuất. Nước ngoài họ làm thức ăn gia súc nhập về Việt Nam, đưa ra Móng Cái dỡ hàng. Một phần đưa sang Trung Quốc nhưng một phần tuồn vào thị trường Việt Nam. Đây là cái khó để chúng ta ngăn chặn.

Ông có thể nói rõ về thủ đoạn mà các đối tượng vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn thường sử dụng khi vận chuyển hàng vào trong nước?
 
Thủ đoạn chính mà các đối tượng vẫn hay sử dụng chính là vận chuyển qua đường tiểu ngạch biên giới (tự khuân vác). Thứ hai là lợi dụng sơ hở trong quản lý của cơ quan Hải quan, những đối tượng này tiến hành mở tờ khai hải quan và xin giấy phép của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Xin 1 nhưng có thể nhập 100, nếu không kiểm tra sẽ không biết. Chúng tôi đã đề nghị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ra các quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu. Đối với số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chưa qua kiểm định chất lượng, chúng tôi sẽ giao cho chi cục quản lý thị trường tiến hành tiêu hủy.
 
Như ông vừa nói, việc các đối tượng sử dụng thủ đoạn xé lẻ hàng, cảnh giới để phân phối. Qua nắm tình hình, cơ quan chức năng xác định việc vận chuyển hàng vi phạm quy định về an toàn môi trường chủ yếu diễn ra trên các tuyến nào?
 
Đó là đưa qua biên giới bằng cách dùng dân cửu vạn, rồi tập kết lên xe máy, xe thồ và ô tô. Về đến Bắc Giang và Bắc Ninh, hàng hóa lại tiếp tục được phân phối. Từ đấy, người tiêu thụ, con buôn ở Hà Nội có thể về đó nhận đưa lên xe khách, ô tô (12, 30 - 40 chỗ). Có những xe đi lúc 1-2 giờ sáng khiến các lực lượng khó phát hiện. Dịp trung thu, hàng chủ yếu đưa từ Móng Cái và Lạng Sơn về. Và còn rất nhiều tuyến trọng điểm khác mà các đối tượng lợi dụng để đưa hàng về tiêu thụ.
 
Ông vừa đề cập đến việc cấp giấy phép chưa được tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, điều này cho thấy kẽ hở của cơ quan quản lý nhà nước khiến các đối tượng lợi dụng. Vậy trách nhiệm của những đơn vị, cơ quan liên quan trong việc phòng chống tội phạm này ở những tuyến trọng điểm sẽ ra sao?
 
Việc cấp phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tôi đề nghị cơ quan, người có trách nhiệm cấp giấy phải kiểm soát chặt chẽ và có hậu kiểm. Khi cảnh sát môi trường kiểm tra, không đảm bảo điều kiện sẽ tước giấy phép. Nhiều nơi có giấy phép cứ trưng ra, nhưng là giấy phép photo, rồi in dấu đỏ phóng to lên...
 
Tại sao hàng trăm tấn hàng hóa nhập lậu dễ dàng lọt qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng để vào thị trường nội địa; và các lực lượng chức năng không phát hiện trước để ngăn chặn?
 
Vấn đề này rất khó. Các đối tượng buôn lậu có thủ đoạn chia lẻ để trong hàng hóa, hoăc có thể chở cả xe ô tô nhưng sử dụng các giấy tờ hợp lệ để đi qua các trạm kiểm soát. Cũng không loại trừ việc kiểm soát không hết, nhiều xe về Hà Nôị mới bị bắt. Chúng ta vẫn còn có nhiều lỗ hổng trên các trạm kiểm soát. Tại các trạm kiểm soát, anh em kiểm tra từng xe một cũng khó vì sẽ gây ứ đọng giao thông. Chỉ khi có nghi ngờ, chúng tôi mới kiểm tra. Trong khi đó Cục an toàn thực phẩm và quản lý thị trường không làm ban đêm bởi họ không có tin báo. Khó là vậy đó!
 
Xin cảm ơn ông!
 
Mai Tuân
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang