Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm: Dấu hiệu vi phạm quy định về chứng nhận hợp quy sản phẩm

author 12:24 25/05/2023

(VietQ.vn) - Nhiều sản phẩm quần áo trẻ em bán tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định, đặt ra nghi vấn về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.

Nhiều quần áo trẻ em không gắn dấu chứng nhận hợp quy

Trong bài viết có nhan đề "Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm: Nhiều hàng hóa không ghi nhãn phụ, người tiêu dùng dễ gặp rủi ro", toà soạn Chất lượng Việt Nam đề cập tới việc Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm do bà Vũ Thị Trang làm chủ có tình trạng hàng hoá, sản phẩm cho mẹ và bé không được ghi nhãn phụ theo quy định của pháp luật. Điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng khi chọn mua và sử dụng các sản phẩm mua tại đây.

Tuy nhiên, không chỉ có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn sản phẩm, tại hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm còn có tình trạng nhiều sản phẩm quần áo không gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định pháp luật. Trong khi đó, theo Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.

Nhiều sản phẩm quần áo dành cho trẻ em tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định.

Theo Quy chuẩn này, từ ngày 1/1/2019, danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của quy chuẩn gồm: Quần, áo, váy, các loại vải may mặc, các loại thảm trải sàn, hàng phụ kiện may mặc như tất, khăn, mũ, găng tay, cà vạt, chăn, ga, gối, đệm, rèm cửa, giày, dép thể thao, giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, giày luyện tập và các loại tương tự… chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chứng nhận hợp quy theo quy định.

Việc chứng nhận hợp quy sản phẩm may mặc theo QCVN 01:2017/BCT nhằm góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm may mặc đến tay người tiêu dùng. Bởi theo GS. TS Nguyễn Hải Nam, Trưởng bộ môn Hóa dược (Trường Đại học Dược Hà Nội), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Cơ thể con người nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng... Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho hay, các nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi formaldehyde nhất là trẻ em, người cao tuổi, những người bị hen suyễn và gặp các rắc rối về đường hô hấp.

Mặc dù quy định pháp luật đã có nhưng không hiểu vì lý do gì mà tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm tồn tại nhiều sản phẩm may mặc dành cho trẻ em chưa được gắn dấu hợp quy. Điều này cũng khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc liệu những sản phẩm này đã được chứng nhận hợp quy theo QCVN 01:2017/BCT hay chưa? Các sản phẩm này có đảm bảo chất lượng hay không? Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm có đang cố tình vi phạm pháp luật khi đưa những sản phẩm không có nhãn phụ, không được gắn dấu chứng nhận vào kinh doanh? Người tiêu dùng liệu có gặp rủi ro khi mua hàng tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm?

Dù thuộc nhóm hàng hoá phải chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy nhưng nhiều sản phẩm do Ếch Cốm phân phối chưa đáp ứng với quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT.

Không ghi nhãn phụ cho nhiều hàng hoá

Trước đó, theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), tại hệ thống này có rất nhiều sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài được bày bán công khai nhưng không ghi nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Có thể kể đến các sản phẩm như: bỉm, bánh ăn dặm cho trẻ, sữa, mì ăn dặm, sữa tắm gội cho bé.

Cụ thể, tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm, sản phẩm mì dặm Mug Nissin‎ không ghi nhãn phụ Tiếng Việt. Do đó, khách hàng khó có thể biết được sản phẩm mì này xuất xứ từ đâu, thành phần gồm những gì, cách sử dụng ra sao, dùng cho trẻ bao nhiêu tuổi.

Một sản phẩm khác là sữa Meiji được bán tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm cũng không có nhãn phụ Tiếng Việt. Phỏng vấn nhanh một người tiêu dùng vừa mua sản phẩm này tại cửa hàng Ếch Cốm khu vực HH Linh Đàm, người này cho biết: "Rất may là tôi đã dùng sản phẩm sữa này cho con nhiều lần nên biết cách dùng, nếu là người lần đầu dùng thì rất khó để sử dụng đúng cách. Việc không có nhãn phụ Tiếng Việt rất dễ khiến các bậc phụ huynh dùng nhầm sữa vì mỗi loại sữa dùng cho độ tuổi khác nhau. Thêm vào đó, việc pha sữa sai cách, sai liều lượng rất dễ dẫn đến những vấn đề sức khoẻ cho trẻ em".

Không chỉ sản phẩm mì ăn dặm hay sữa, nhiều sản phẩm bánh ăn dặm cho trẻ tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm cũng không ghi đầy đủ nhãn phụ Tiếng Việt.

Bánh ăn dặm bán tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm không có thông tin Tiếng Việt, người tiêu dùng rất khó biết được nguồn gốc, cách sử dụng sản phẩm. 

Chia sẻ với phóng viên, chị N.T.N, một khách hàng mua hàng tại cơ sở Ếch Cốm V9-A04 102 Nguyễn Thanh Bình, Hà Đông cho biết: "Gần đây tôi thấy cửa hàng này bán đồ cho trẻ nên muốn mua cho con ít bánh ăn dặm. Tuy nhiên, khi cầm vào sản phẩm thì không thấy có chữ Tiếng Việt nên cũng không dám mua cho con dùng. Vì nếu mình không biết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, cách dùng sản phẩm, hay những cảnh báo về hàng hoá của nhà sản xuất thì con mình có thể gặp rủi ro khi sử dụng. Tôi sẽ chọn một cửa hàng khác để mua hàng".

Để kiểm chứng thông tin, trong vai người tiêu dùng, phóng viên cũng nhận thấy không chỉ thực phẩm, sữa, tại Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm, nhiều sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, sữa tắm gội, một số loại vitamin dành cho trẻ em bày bán trên kệ hàng cũng không được ghi nhãn Tiếng Việt theo quy định. Khi phóng viên hỏi vì sao hàng hoá lại không ghi nhãn phụ thì nhân viên của Ếch Cốm chỉ cười, đồng thời nói vấn đề thuộc về chủ sở hữu, nhân viên chỉ đi làm thuê nên không biết.

Có thể thấy, mặc dù luật pháp hiện hành đã quy định rất cụ thể, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm lại bày bán công khai hàng hoá nhập khẩu nhưng không ghi nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Điều đáng lo ngại hơn là tại hệ thống này, hàng hoá hướng tới phục vụ cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ- vốn là những đối tượng nhạy cảm về sức khoẻ, cần được bảo vệ.

Việc không nắm được thông tin sản phẩm (xuất phát từ việc không có nhãn Tiếng Việt) có thể khiến người dùng gặp rủi ro về sức khoẻ. Khi đó, Hệ thống đồ sơ sinh Ếch Cốm có chịu trách nhiệm hay không? Các sản phẩm hàng hoá bán tại hệ thống này có đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, chứng từ chứng minh xuất xứ theo quy định của pháp luật hay không?

Trước thực trạng thiếu tem nhãn phụ Tiếng Việt số lượng lớn và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé Ếch Cốm, đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan… kiểm tra xác minh, xử lý sai phạm (nếu có) để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang