Hình thành mạng lưới hoạt động về năng suất chất lượng

author 09:19 02/09/2020

(VietQ.vn) - Theo Ban điều hành Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng, trong giai doạn 2010-2020, hoạt động xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cụ thể: công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất và chất lượng tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp. Đưa nội dung năng suất và chất lượng vào chương trình đào tạo của các trường dạy nghề, quản lý, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ…

Nhiều hoạt động đào tạo các chuyên gia về năng suất chất lượng được triển khai trong những năm qua.

Về công tác đào tạo thành viên Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp: Xây dựng 10 bộ chương trình, tài liệu đào tạo về tiêu chuẩn hóa cho các thành viên ban kỹ thuật, cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa và giảng viên giảng dạy kiến thức về tiêu chuẩn hóa;

Tổ chức 15 khóa đào tạo cho hơn 950 học viên là thành viên của các Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; 09 khóa cho hơn 575 học viên thuộc các Bộ, ngành (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao- Du lịch, Bộ Quốc phòng…);

Tổ chức 02 khóa đào tạo giảng viên tiêu chuẩn hóa cho 60 học viên (30 học viên đến từ 06 Bộ và 30 học viên đến từ địa phương); đào tạo chuyên gia về tiêu chuẩn hóa cho 400 học viên;

Tổ chức 01 khóa học tập nghiệp vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế tại Nhật Bản cho 10 cán bộ của các Bộ ngành.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các dự án NSCL và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL: Xây dựng 06 bộ chương trình, tài liệu đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng, quản lý đo lường, đánh giá sự phù hợp và kỹ năng quản lý dự án NSCL;

Tổ chức 21 khóa đào tạo tập trung cho hơn 1000 công chức, viên chức làm công tác trong lĩnh vực quản lý TCĐLCL ở các Bộ, ngành, địa phương; Tổ chức 03 khóa đào tạo qua mạng (Webase training) cho hơn 300 lượt người.

Về công tác đào tạo chuyên gia, cán bộ tư vấn NSCL, cán bộ thực hành cải tiến NSCL tại doanh nghiệp: Biên soạn hoàn thành hơn 100 bộ chương trình, tài liệu đào tạo các kiến thức cơ bản, nâng cao về NSCL, các kiến thức chuyên sâu về các hệ thống, công cụ cải tiến NSCL như: Hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001); Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000); Hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO/IEC 27001; Hệ thống Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000; Hệ thống Quản lý An toàn và sức khỏe nghề nghiệp (ISO 45001); Quản lý tinh gọn (Lean), Loại bỏ 7 lãng phí (7 Wastes); Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA); Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM); Năng suất xanh (Green Productivity); 7 công cụ kiểm soát chất lượng (7 Tools); Quy trình sản xuất nông nghiệp thực hành tốt (Global G.A.P), sản xuất nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc và nhiều hệ thống, chứng nhận theo UL, RoHS, CE-Marking... phù hợp với từng đối tượng đào tạo;

Tổ chức đào tạo chuyên gia NSCL cho gần 3.000 học viên đến từ các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, tổ chức tư vấn NSCL và doanh nghiệp; Tổ chức 13 khóa đào tạo theo hình thức Web-based training cho hơn 1000 học viên;

Đào tạo chuyên gia Lean Six Sigma do Viện Năng suất Việt Nam triển khai được ghi nhận là một hoạt động khá hiệu quả trong công tác xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp.

Từ 2010 – 2020, gần 1000 lượt chuyên gia Việt Nam đã tham dự các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo, … của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO). Khoảng 800 chuyên gia thuộc các lĩnh vực đã tham dự các khóa đào tạo của APO. Ngoài ra, 26 chuyên gia được đào tạo tại các tổ chức nước ngoài khác như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Số chuyên gia được đào tạo tại nước ngoài đã nhân rộng đào tạo cho chuyên gia trong nước cho hơn 100 người, trong đó có nhiều học viên đến từ các doanh nghiệp.

Hoạt động đào tạo đã đem lại hiệu quả thiết thực, bước đầu tạo lập được đội ngũ cán bộ thực hiện dự án NSCL tại Bộ, ngành, địa phương và cơ sở. Tuy nhiên, lực lượng chuyên gia NSCL cần được phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tới với những đòi hỏi mới từ yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp và bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài đào tạo tập trung, hoạt động đào tạo còn được tổ chức trực tiếp tại doanh nghiệp trong quá trình tư vấn thực hiện dự án cải tiến NSCL tại doanh nghiệp... Thông qua các khóa đào tạo, một số học viên có thể trở thành các chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá một hoặc một số hệ thống, mô hình công cụ; một số học viên có thể tự triển khai áp dụng các công cụ cải tiến NSCL vào tổ chức/ doanh nghiệp mình; một số có thể trở thành các giảng viên, báo cáo viên về NSCL tại cơ sở.

Về công tác đưa nội dung năng suất và chất lượng vào chương trình đào tạo của các trường dạy nghề, quản lý, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ: Phối hợp với một số trường xây dựng bộ chương trình, giáo trình đào tạo về tiêu chuẩn hóa áp dụng cho đối tượng sinh viên các trường đại học của Việt Nam (phù hợp với các nhóm ngành: kỹ thuật và kinh tế, quản trị kinh doanh); và bộ chương trình, giáo trình đào tạo về các kiến thức, kỹ năng cơ bản và ứng dụng các phương pháp cải tiến NSCL vào thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

Tổ chức đào tạo thí điểm 08 khóa tại 03 trường đại học (Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Ngân hàng và Đại học Kinh tế quốc dân) cho 400 sinh viên và 08 khóa tại 04 trường cao đẳng (Cao đẳng Việt Xô số 1, Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, Cao đẳng nghề số 8 và Cao đẳng công nghệ Đồng Nai) cho 40 giảng viên và 320 sinh viên;

Nhân rộng giảng dạy cho 11 trường đại học (20 khóa đào tạo/1.200 sinh viên) và 03 trường cao đẳng (150 sinh viên và 60 giảng viên).

Kết quả triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, đánh giá cao về kết quả, hiệu quả mang lại cho giảng viên và học viên và làm tiền đề nhân rộng áp dụng cho các trường đại học, cao đẳng khác trong giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào cho doanh nghiệp.

Áp dụng hệ thống quản lý, công vụ cải tiến năng suất giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín(VietQ.vn) - Việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến chính là “chiếc vé” đầu tiên giúp mang lại niềm tin cho khách hàng và tạo dựng uy tín, tiếng nói riêng cho doanh nghiệp.

Hà Thanh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang