Hóa chất ủ giá đỗ chưa được phép sử dụng ở Việt Nam

author 11:24 15/08/2012

(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng cho biết, qua kiểm tra phân tích, loại hóa chất được dùng làm giá ăn ở TP.HCM có nguồn gốc ở Giang Tô, Trung Quốc và chưa được phép sử dụng ở Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sau khi dư luận thông tin về việc một số cơ sở sử dụng hóa chất để làm giá đỗ, Cục Bảo vệ thực vật đã vào cuộc xác minh và phát hiện có việc sử dụng hóa chất để làm giá ăn ở TP.HCM.

Hóa chất mà người dân ở Hóc Môn - TP.HCM sử dụng làm giá đỗ chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Hóa chất mà người dân ở Hóc Môn, TP.HCM sử dụng làm giá đỗ chưa được phép sử dụng tại Việt Nam

Đoàn thanh tra của Cục đã kiểm tra đột xuất 7/33 cơ sở sản xuất giá ăn ở TP.HCM. Kết quả kiểm tra, phân tích cho thấy đây là hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc do công ty TNHH Phú Dung, ở Giang Tô sản xuất. Các chất phát hiện gồm hoạt chất 6-benzylaminopurine thuộc nhóm cytokinin và gibberelin A28. Công dụng của các loại hoạt chất trên giúp giá đỗ chóng nảy mầm, thân mập mạp, ít rễ. Các chất này đều thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng thực vật có độc tính thấp và thường sử dụng với liều thấp nên nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người có thể chưa nghiêm trọng.

Theo ông Hồng, cả 6-benzylaminopurine và gibberelin A28 mà người dân huyện Hóc Môn sử dụng để ủ giá đỗ chưa được phép sử dụng ở Việt Nam. Các hoạt chất này Việt Nam chưa nghiên cứu, khảo nghiệm nên được xem là không rõ nguồn gốc.

"Việc sử dụng các hoạt chất này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vậy, người dân sử dụng chúng trong sản xuất giá ăn là vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam", ông Hồng khẳng định.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất giá đỗ ở Hà Nội. Kết quả cũng phát hiện người dân sử dụng hóa chất để làm giá, tuy nhiên, không phải giống loại đã phát hiện ở Hóc Môn, TP.HCM. Các loại hóa chất đang được phân tích, sẽ sớm có kết quả công bố cho người tiêu dùng.

Về kết quả giám sát đối với hoa quả nhập khẩu trong tháng 7, Cục phát hiện 2 lô hàng nho có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư cao gấp 3-5 lần cho phép; một mẫu khoai tây có lượng tồn dư cao gấp 3 lần cho phép. Tất cả đều là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ông Hồng cho biết, hiện có 5 loại hoa quả của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, nhiều nhất gồm táo, lê, cam quýt, dưa vàng và nho. Trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung kiểm soát các lô hàng nho nhập khẩu sang Việt Nam.

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang