Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính hoạt động xây dựng TCVN, QCVN trong hình hình mới

author 07:17 26/05/2020

(VietQ.vn) - Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng TCVN, QCVN là cơ chế quản lý tài chính, cụ thể là khả năng huy động nguồn lực tài chính, các quy định về nội dung chi, định mức chi tiêu kinh phí hoạt động xây dựng TCVN, QCVN.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Hoạt động xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và Quy chuẩn quốc gia (QCVN) là một trong những hoạt động chủ đạo của công tác tiêu chuẩn hoá. Số lượng và chất lượng công tác xây dựng TCVN và QCVN ngày càng được nâng cao, số lượng Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay vào khoảng 12.000 TCVN với lưu lượng khoảng 450-600 TCVN được rà soát, cập nhật, xây dựng mới hằng năm, tỷ lệ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hiện nay vào khoảng 56%; số lượng QCVN hiện nay do các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành là hơn 700 Quy chuẩn quốc gia và địa phương để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 nhằm bảo vệ môi trường, an toàn và sức khoẻ người tiêu dùng.

Tổng cục TCĐLCL tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Thực hiện Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ngày 17/7/2009, Liên Bộ Tài chính, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN (Thông tư 145) hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng TCVN, QCVN. Qua hơn 10 năm thực hiện, cơ chế quản lý tài chính này đã giúp công tác quản lý nguồn kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCVN được tiết kiệm và hiệu quả, qua đó đã góp phần nâng cao số lượng các TCVN được công bố, các QCVN được ban hành hằng năm. Tuy nhiên thông tư cũng đã bộc lộ một số những hạn chế cần xem xét, sửa đổi bổ sung để hoàn thiện, phù hợp với tình hình mới.

Bất cập cần sửa đổi

Cơ chế quản lý tài chính bao gồm các hoạt động: huy động nguồn tài chính, quy định nội dung chi và định mức chi, những quy định về quá trình xây dựng dự toán, thực hiện và thanh quyết toán kinh phí xây dựng TCVN, QCVN. Các yếu tố tác động đến các quy định này bao gồm:

Một là, tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xã hội, cụ thể là sự biến động của lạm phát, tiền lương,... khiến các định mức chi tiêu được quy định tại Thông tư 145 không còn bù đắp được chi phí thực tế phát sinh. Lạm phát khiến giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao, khiến người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều hơn và thù lao nhận được từ hoạt động xây dựng TCVN, QCVN không còn đảm bảo sức mua như trước. Bên cạnh đó, với việc chính sách tiền lương sau 10 năm đã được điều chỉnh tăng từ 130% đến 420% đã phản ảnh rõ nét nhất sự biến động của thu nhập và chi phí xã hội. Điều này khiến việc xem xét điều chỉnh định mức chi tiêu kinh phí dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCVN là cần thiết và phù hợp thực tiễn.

Hai là, tác động từ sự thay đổi của cơ chế, chính sách: Những văn bản quy phạm pháp luật trước đây làm căn cứ xây dựng như Thông tư 145 hiện nay đã thay đổi, khiến việc áp dụng Thông tư 145 vào thực tiễn chưa được đồng bộ và thống nhất so với những quy định mới, cụ thể: đối với lĩnh vực quản lý ngân sách đã có Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; đối với lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã có Nghị định số 78/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Theo quy định tại Nghị định số 78/2018/NĐ-CP thì hiện có một số nội dung chi chưa được quy định tại Thông tư liên tịch 145 như: chi thực hiện hoạt động nghiên cứu đánh giá thực trạng, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, xây dựng báo cáo phân tích kết quả khảo sát, khảo nghiệm, thử nghiệm; chi mua mẫu, thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu kỹ thuật của dự thảo TCVN, QCVN…

Những thay đổi chính về cơ chế quản lý tài chính mới

Với sự phối hợp của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng TCVN và QCVN. Cơ chế quản lý tài chính mới này đã được xây dựng phù hợp với các cơ chế, chính sách hiện hành trong lĩnh vực quản lý Ngân sách nhà nước và tiêu chuẩn hoá, đồng thời phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Một số thay đổi chính về cơ chế quản lý tài chính mới như sau:

Một là, chính sách huy động nguồn kinh phí dành cho hoạt động xây dựng TCVN, QCVN: đã bao quát được đầy đủ các nguồn kinh phí phát sinh trong thực tiễn, trong đó có giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động xây dựng TCVN, QCVN.

Hai là, đối với nội dung chi hoạt động xây dựng TCVN, QCVN: đã cập nhật đầy đủ các nội dung mới phát sinh đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như phù hợp với quy định mới về hoạt động xây dựng TCVN, QCVN hiện nay, cụ thể như: đã bổ sung nội dung chi thực hiện hoạt động nghiên cứu, đánh giá thực trạng phục vụ cho công tác xây dựng TCVN, QCVN; bổ sung được các nội dung chi liên quan đến hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, Ban biên soạn quy chuẩn kỹ thuật; quy định cụ thể những nội dung chi như chi xin ý kiến đối với dự thảo TCVN, QCVN;…

Ba là, về định mức chi hoạt động xây dựng TCVN, QCVN: cơ bản các định mức chi đã được điều chỉnh tăng từ 65% đến 100% so với định mức chi cũ nhằm bù đắp chi phi thực tế phát sinh, qua đó thu hút được sự tham gia ngày càng đông đảo của các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học vào hoạt động xây dựng TCVN, QCVN. Bên cạnh đó, với việc quy định mức chi dành cho hoạt động nghiên cứu, đánh giá thực trạng, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật phục vụ hoạt động xây dựng TCVN, QCVN được xác định theo mức tiền công thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học giúp các Bộ, ngành, địa phương chủ động trong công tác lập và thẩm định dự toán kinh phí xây dựng TCVN, QCVN phù hợp với đặc thù ngành, địa phương mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 198/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, trong đó có yêu cầu Bộ KH&CN, Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh phí biên soạn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bao gồm Thông tư số 145 theo hướng: Kinh phí xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do bộ chuyên ngành quyết định tuỳ vào mức độ phức tạp của dự án xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Bốn là, đối với quy định về lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí xây dựng TCVN, QCVN: đã được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Như vậy, với sự thay đổi chính sách mới sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động xây dựng TCVN, QCVN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các TCVN, QCVN theo hướng tăng tỷ lệ hài hoà quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của nước ta trong tình hình mới.

Quy định mới về chi phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kĩ thuật(VietQ.vn) - Từ ngày 5/6/2020, các nội dung chi cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) sẽ được áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, tổ chức và cá nhân.

Phạm Công Túc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang