Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp cam kết quốc tế

author 19:36 02/11/2021

(VietQ.vn) - Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" (PVTM) nhằm hoàn thiện hệ thống phòng vệ, bảo vệ nền kinh tế trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Theo đó, Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" vừa được Chính phủ phê duyệt là nỗ lực quan trọng nhằm thực hiện chủ trương chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp các cam kết quốc tế.

Bởi trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng xu thế bảo hộ xuất hiện tại một số khu vực, nền kinh tế, các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng phải chịu áp lực cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường, vì vậy, trong một số trường hợp cần đến công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành cũng như nền kinh tế.

Do đó, các biện pháp PVTM giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời bảo vệ, tạo không gian phát triển cho các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, việc sử dụng, ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

 Chủ động hoàn thiện pháp luật về phòng vệ thương mại giúp bảo vệ doanh nghiệp trong nước

Việc ban hành Đề án là nỗ lực quan trọng tạo ra khuôn khổ toàn diện, tổng thể để tạo điều kiện tăng cường hiệu quả công tác PVTM, bảo vệ hợp pháp và hợp lý sản xuất trong nước, có chiến lược và cơ chế phối hợp nhằm ứng phó hiệu quả với các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thông tin về quá trình xây dựng Đề án, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) - bà Phạm Châu Giang cho biết, Đề án đã được Bộ Công Thương triển khai từ tháng 7/2020. Đề án xác định PVTM là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, mục tiêu chung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp các FTA thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; sử dụng hiệu quả các quy định về PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về PVTM; nâng cao năng lực điều tra, áp dụng biện pháp PVTM; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM; đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền về PVTM; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PVTM.

Đề án đã đưa ra các giai đoạn triển khai, cụ thể: Giai đoạn 2022-2025, tập trung rà soát tổng thể văn bản pháp luật trong lĩnh vực PVTM từ đó đề xuất sửa Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật PVTM; xây dựng cơ sở dữ liệu một số ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm để nâng cao năng lực về PVTM; số hóa công tác điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để giảm gánh nặng hồ sơ cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu.

Giai đoạn 2025-2030, trên cơ sở tổng kết việc triển khai giai đoạn 2022-2025 sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM (bao gồm xây dựng hoặc sửa luật, nghị định, thông tư liên quan trong lĩnh vực PVTM); hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm; tăng cường tiếng nói của Việt Nam về PVTM trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để đảm bảo quyền và lợi ích trong quá trình thực thi các FTA.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang