Kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối có bước chuyển biến cả chất và lượng

author 08:29 09/12/2022

(VietQ.vn) - Để xây dựng được mạng lưới chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn không chỉ riêng ngành Công Thương có thể làm được, cũng không thể địa phương làm riêng, hay là trung ương làm riêng, mà phải có sự vào cuộc đều tay giữa các bên.

Tiêu dùng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân, từ đó việc xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Đặc biệt, việc kết nối thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối đã có bước chuyển biến cả về chất và lượng.

Việc kết nối thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối đã có bước chuyển biến cả về chất và lượng. Ảnh minh họa.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, năm 2010, Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua và ban hành, qua đó các Bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều đã được phân công, phân nhiệm rất rõ ràng với vai trò quản lý các hệ thống từ sản xuất cho đến tay người tiêu dùng.

Trong đó, Bộ Công Thương quản lý các mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát hay bánh kẹo, dầu ăn, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột và tinh bột. Bộ Công Thương với nhiệm vụ phát triển các hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống sao cho bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo bà Nga, Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động về tập huấn, tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương về xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng lồng ghép hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế - xã hội do Bộ triển khai.

Ví dụ, hỗ trợ cho phát triển hạ tầng thương mại lồng ghép vào các chương trình phát triển hạ tầng thương mại theo hướng bền vững, văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đổi mới cách xây dựng hạ tầng thương mại như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ theo hướng văn minh hiện đại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn để xây dựng những hệ thống phân phối không chỉ ở dạng mô hình, như trung tâm thương mại hay siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm chuyên doanh, các cửa hàng tiện lợi, hoặc cửa hàng tạp hóa được phân phối bởi hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Hơn nữa, việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn được lồng ghép với chương trình bình ổn thị trường tại hơn 50 tỉnh, thành phố, xây dựng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn với tiêu chí quan trọng bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá cả hợp lý. Đến nay, việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc không chỉ cửa hàng phân phối hiện đại, mà còn cả ở những kênh truyền thống. Đó là nhân rộng các chuỗi phân phối thực phẩm an toàn với mô hình khó nhất, chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng lồng ghép vào những chương trình như Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hay chương trình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình hỗ trợ cho phát triển nông thôn mới để kết nối được những nông sản, thực phẩm an toàn sản xuất tại các địa phương đưa vào các kênh phân phối trong nước.

"Năm nay, với đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng tôi đã bước sang một giai đoạn đó là quảng bá cho những sản phẩm hàng hóa Tinh hoa hàng Việt Nam”, bà Nga cho biết.

Tuy nhiên, bà Nga cũng chia sẻ rằng, quá trình triển khai xây dựng mô hình về hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đó là thiếu vốn để đầu tư những hệ thống phân phối áp dụng quy trình quản lý tốt, văn minh nhất. Vì vậy, để xây dựng được mạng lưới chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn không chỉ riêng ngành Công Thương có thể làm được, cũng không thể địa phương làm riêng, hay là trung ương làm riêng, mà phải có sự vào cuộc đều tay.

Ngày 27/11/2022, Ban Bí thư cũng đã nêu rõ, để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc thì yêu cầu các tổ chức đảng, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ cùng với Ủy ban Mặt trận tổ quốc cùng các bộ, ban, ngành có liên quan để xây dựng mạng lưới phân phối thực phẩm an toàn phục vụ cho một trăm triệu người dân Việt Nam.

Tại Chỉ thị số 17 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tổ chức cho được hệ thống phân phối thực phẩm an toàn và quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ. “Chúng tôi thấy rằng, để làm được việc này phải để ý đến ba yếu tố, một là về vấn đề hạ tầng thương mại của cơ sở kinh doanh thực phẩm, thứ hai nữa là phải để ý đến vấn đề chất lượng thực phẩm được đưa vào để kinh doanh, thứ ba là yếu tố con người, bao gồm người kinh doanh và người tiêu dùng tham gia vào việc mua bán thực phẩm”, bà Nga nói.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang