Khẩn trương cắt giảm điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho phát triển doanh nghiệp
Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh
Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh
Với quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, trước diễn biến hết sức phức tạp và tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật cụ thể gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế.
Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Theo đó, hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn… Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp nhận thấy vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất và chậm sửa đổi các văn bản QPPL. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có các nguyên nhân cơ bản sau:
Nguyên nhân khách quan: Kinh tế-xã hội có sự biến động nhanh, nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh, khó dự báo; Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 mới có hiệu lực 03 năm quy định nhiều điểm mới mang tính đột phá, đặc biệt là tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi quy trình soạn thảo, yêu cầu chặt chẽ về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản. Chính vì vậy, việc đề nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số loại văn bản phải trải qua 02 quy trình nên thời gian xây dựng văn bản thường kéo dài, dẫn đến tình trạng chậm ban hành.
Nguyên nhân chủ quan: Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 đã quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ phải chủ động rà soát để sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL, các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa chủ động thực hiện tốt quy định này dẫn tới vẫn còn tồn tại những quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống các văn bản QPPL. Một nguyên nhân chủ quan nữa là ở một số cơ quan, cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, theo bà Lan cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; các bộ, cơ quan ngang bộ cần chủ động tiến hành việc rà soát để sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn; đầu tư nguồn lực thỏa đáng đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành; thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia pháp lý vào quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là có sự tham vấn ý kiến các đại biểu Quốc hội ngay từ giai đoạn đầu.
Về phía Bộ Tư pháp, bà Lan cho hay, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ với các luật hiện hành có liên quan trước khi đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng công tác thẩm định.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo; tiếp tục quan tâm và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thực hiện kiểm tra văn bản theo thẩm quyền để bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời những văn bản trái pháp luật…
Thanh Tùng