Không thông quan đối với hàng hóa mua tại sàn online xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đã tiêu thụ quá nhiều đường
Cảnh báo những lỗ hổng nghiêm trọng dễ bị các nhóm tin tặc khai thác
Cảnh báo chiêu thức lừa đảo tuyển dụng lao động thời vụ
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương không thông quan đối với tờ khai vận chuyển hàng hóa không có thông tin về website hoặc sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Các đơn hàng có đủ thông tin nhưng thuộc các website hoặc sàn bán lẻ chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ không được thông quan.
Đồng thời, hải quan địa phương phải tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp có dấu hiệu chia nhỏ hàng hóa, khai thấp trị giá để né tránh kiểm tra và trốn thuế. Việc rà soát các kho của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh tại điểm tập kết chờ thông quan cũng cần được thực hiện kỹ lưỡng. Các kho không đáp ứng điều kiện giám sát sẽ bị chấm dứt hoạt động và thu hồi mã kho.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát về nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, trong đó tập trung vào các nhóm hàng nhập khẩu là thực phẩm và thực phẩm chức năng; linh phụ kiện điện tử; mỹ phẩm; hàng thời trang…
Không thông quan đối với hàng hóa mua từ các sàn thương mại điện tử quốc tế chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Gần đây, một số sàn thương mại điện tử bán hàng giá rẻ vào Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng, cũng như thất thu thuế, theo cơ quan quản lý. Cán bộ Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, khi làm thủ tục, các cán bộ sẽ kiểm tra và đối chiếu thông tin về sàn bán hàng hoặc website trên hệ thống quản lý thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Nếu không có tên nền tảng trong hệ thống, hải quan sẽ không tiến hành thủ tục thông quan.
Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xác nhận Temu đang làm thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên, tính đến chiều 8/11, hệ thống quản lý của Bộ chưa cập nhật thông tin về Temu và một số sàn khác như Shein, 1688. Theo quy định, các sàn bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị bằng tiếng Việt hoặc có trên 100.000 giao dịch từ Việt Nam mỗi năm đều phải đăng ký với Bộ Công Thương.
Từ đầu tháng 10, Temu (thuộc PDD Holdings, Trung Quốc) vẫn cho phép người dùng tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với giao diện tiếng Việt, mặc dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Tương tự, Shein và 1688 cũng đang kinh doanh tại Việt Nam mà chưa hoàn tất đăng ký.
Theo VNPT, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử, tương đương 45-63 triệu USD hàng hóa giá trị nhỏ không phải đóng thuế nhập khẩu và VAT, do hàng giá trị dưới 1 triệu đồng hiện đang được miễn thuế theo quy định từ năm 2010.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng các sàn như Temu, Shein lợi dụng quy định miễn thuế cho hàng dưới 1 triệu đồng để bán hàng giá rẻ vào Việt Nam, Chính phủ sẽ xem xét bỏ quy định này. Tất cả hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải chịu thuế. Nhà chức trách cũng sẽ có biện pháp ngăn chặn nếu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bộ Tài chính cho biết sẽ bỏ quy định miễn thuế VAT cho hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng bán qua sàn thương mại điện tử trong dự thảo Luật Thuế VAT trình Quốc hội, nhằm giảm thất thu thuế.
Khánh Mai (t/h)