Kinh doanh gần 2.500 đôi giầy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

author 13:41 05/08/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh vừa phát hiện và thu giữ gần 2.500 đôi giầy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh cho biết, mới đây Đội QLTT số 3 phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh, Tổ thương mại điện tử Cục QLTT Bắc Ninh, Đội QLTT số 2, Đội 3 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh và Công an thị xã Từ Sơn kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh giầy dép và kho chứa hàng hóa do ông Nguyễn Đình Tú là chủ, có địa chỉ tại phường Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.470 đôi giầy thể thao người lớn mang nhãn hiệu NIKE chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan, có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu). Đội Quản lý thị trường số 3 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để thẩm tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lượng lớn giày dép giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Cục QLTT Bắc Ninh 

Liên quan tới hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã cùng các đơn vị liên quan tổ chức giám sát việc tiêu hủy hàng hóa là Giày, Dép giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Trước đó, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cửa hàng Sinh Giày do ông Đỗ Văn Sinh làm chủ, địa chỉ tổ 5, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang phát hiện 43 đôi giầy, dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Gucci và Adidas.

Sau khi kết thúc quá trình thẩm tra, xác minh, Đội QLTT số 1 đã trình Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang ra quyết định xử phạt ông Đỗ Văn Sinh số tiền là 12.000.000 đồng với hành vi vi phạm trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và buộc tiêu hủy toàn bộ 43 đôi giày, dép giả nhãn hiệu Nike, Adidas, Gucci.

Theo lực lượng chức năng, toàn bộ số hàng hóa vi phạm là 43 đôi giày, dép đã được tiêu hủy dưới sự chứng kiến của Đội QLTT số 1 và các cơ quan liên quan.

Tương tự, mới đây trong công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng hóa qua địa bàn, Đội QLTT số 6 – Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh kiểm tra 02 xe ô tô vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện  nhiều loại mặt hàng giày dép giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Adidas (tổng số 229 sản phẩm). Đội đã lập biên bản tạm giữ để xác minh xử lý theo quy định.

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ xe đồng thời là chủ hàng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hoá đơn liên quan tới các mặt hàng trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ tang vật để xác minh và xử lý theo quy định.

Đội QLTT số 6 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 02 đối tượng trên về hành vi bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu quy theo định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Theo quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ: “Điều 213. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ

Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.”

Pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức để bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp. Căn cứ và tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp nêu trên theo quy định tại Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định tại điều 214 của Luật sở hữu trí tuệ, theo đó:

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

Cảnh cáo;

Phạt tiền. (Mức tiền phạt được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được.)

Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như:

Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.

Ngoài ra, điều 212 Luật sở hữu trí tuệ cũng có quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang