Lạm dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, bào chế không đúng cách: Biến chứng nặng nề

author 09:35 18/05/2024

(VietQ.vn) - Thời gian qua có không ít bệnh nhân nhập viện với những biến chứng do tự ý dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, gây hậu quả khó lường như suy tuyến thượng thận, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Hiện nay, một số cơ sở Đông y đã bào chế không đúng cách, thậm chí trộn thêm tân dược thuộc nhóm Non steroid hoặc Steroid nhằm đạt hiệu quả nhanh mạnh để dễ kiềm tiền từ người bệnh. Thuốc kháng viêm Non-steroid có tác dụng chống viêm, giảm đau, có thể hạ sốt, chống tập kết tiểu cầu và không chứa steroid trong cấu tạo thành phần. Hiện nay, có một số loại thuốc kháng viêm không chứa steroid thường gặp là ibuprofen, diclofenac, naproxen, aspirin,… Tác dụng phụ của tân dược thuộc nhóm Non steroid hoặc Steroid có thể gây: rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, ăn không tiêu… nhức đầu chóng mặt phát ban phù, iêm loét dạ dày - tá tràng xuất huyết tiêu hóa.

Bệnh nhân Nguyễn Văn V. (sinh năm 1950, Đống Đa, Hà Nội) nhập Trung tâm Da liễu Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với triệu chứng xuất hiện đỏ da rải rác toàn thân kèm ngứa nhiều, sốt cao 39,5 độ C, bị hạ bạch cầu và tăng men gan kèm theo nhiều vùng da đỏ thẫm, liên kết với nhau thành mảng, bọng nước, hoại tử da lan toả. Bệnh nhân cho hay, do những cơn ngứa lòng bàn tay 2 bên thời gian dài nên bệnh nhân mua loại thuốc Đông y trên mạng không rõ nguồn gốc để bôi suốt 2 tháng qua.

 Thuốc Đông y với nhiều dạng bào chế như sắc uống, cao, đơn, hoàn, tán... (Ảnh: VTV)

Tương tự, bệnh nhân Lưu Thị H. sinh năm 1974 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có tiền sử bệnh khớp nhiều năm. Thay vì khám Đông y, bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị khớp (không rõ tên, tự đặt trên mạng, dạng thuốc viên hoàn Đông y). Sau dùng thuốc 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt, rải rác da tứ chi nổi các rát đỏ, mu tay có bọng nước, kèm theo miệng, môi viêm trợt chảy máu, đau rát, ăn kém, niêm mạc mắt xung huyết, rỉ dịch. Bệnh nhân đã sử dụng thuốc hạ sốt, truyền dịch, tổn thương không đỡ vẫn tiến triển nặng nên xin vào viện.

Tại Trung tâm Da liễu Dị ứng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân có tổn thương cơ bản dát đỏ xung huyết dạng tròn kích thước 0,1-1 cm, trung tâm có vùng da hoại tử ly gai sẫm màu, có chỗ tạo bọng nước (như mu bàn tay) nhiều tổn thương bia bắn điển hình, khoang miệng môi nhiều mảng trợt lớn, đáy có giả mạc trắng môi đóng vảy sẫm màu, dễ chảy máu kết mạc mắt sung huyết tăng tiết dịch rỉ. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Steven Jonhson do thuốc đông y/ Viêm dạ dày, thoái hóa đa khớp.

Tại tỉnh Thái Bình, Bệnh nhi Ngô Hà N. (sinh năm 2013, sống ở huyện Thái Thụy) nhập viện với hội chứng Cushing do dùng thuốc cam Đông y. Bệnh nhân có tiền sử gầy yếu, ăn uống kém hấp thu, gia đình tự mua thuốc cam Đông y cho con uống. Sau sử dụng bệnh nhi ăn uống khỏe, tăng cân, gia đình rất mừng nên cho sử dụng thuốc 2 tháng liên tục mục đích cho con lớn và tăng cân. Tuy nhiên, sau thời gian đó, gia đình thấy con xuất hiện mặt tròn, da mặt hồng, tay chân bé, mọc râu mép, mọc nhiều lông vùng vai tay và lưng 2 bên. Gia đình thấy bất thường nên cho bệnh nhân đi khám phát hiện con mắc hội chứng cushing, tăng men gan, creatin tăng, costisol máu tăng.

Ths. Bs Vũ Văn Đại, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay: “Người bệnh luôn có tâm lý ‘có bệnh thì vái tứ phương’ hay ‘đói thì ăn, đau uống thuốc’. Với những lời quảng cáo có cánh, lại sính thuốc ngoại nên không ít người tin thậm chí sẵn sàng bỏ số tiền lớn để mua dùng ‘điều trị triệt để, dứt điểm 100%’ hay ‘không độc hại với cơ thể’ hoàn toàn từ thảo dược tự nhiên”.

Đặc biệt, với nhiều người mắc bệnh mạn tính như xương khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp… việc sử dụng thuốc tân dược kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi. Họ thường cho rằng thuốc Đông y lành tính và mang tới hiệu quả cao.

Vì vậy, dù chưa thăm khám, người bệnh đã vội "đặt cược" tính mạng, sức khỏe của mình cho những may, rủi, không thể lường trước hậu quả. Bởi hiện nay không khó để bắt gặp những người rao bán thảo dược chữa các bệnh xương khớp, từ thoái hóa cột sống cho đến loãng xương, viêm khớp dạng thấp… Hay thuốc có tác dụng làm đẹp da, tăng cân và bồi bổ cơ thể.

Trước thực trạng đó, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác, nâng cao hiểu biết, không tự ý mua các loại thuốc Đông y không rõ xuất xứ, tin vào những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo trên mạng xã hội, mạng internet.

Theo các chuyên gia y tế, thuốc Đông y hay còn gọi là thuốc y học cổ truyền ngày càng được nhiều người sử dụng giúp bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên cũng giống như thuốc Tây y, khi sử dụng không đúng cách dẫn đến "tiền mất tật mang", thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng.

Hiện nay, thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức khi quyết định sử dụng các sản phẩm này. Nên sử dụng thuốc Đông y có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng, vì thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bằng chứng về việc trong thuốc Đông y có trộn thành phần thuốc tây, khi dùng lâu ngày có thể gây tác dụng phụ bất lợi. Khi đi khám, nên tìm cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp và người khám có chứng chỉ hành nghề. Ðặc biệt, không nên tìm mua thuốc Đông y qua mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng. Nên tới các đơn vị cơ sở y tế uy tín, được cấp phép để thăm khám, điều trị bằng y học cổ truyền một cách hiệu quả và an toàn, tuyệt đối không tin theo quảng cáo lừa đảo, chuyển tiền để rồi rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang