Lạng Sơn xử lý 160 vụ vi phạm với 10.000 sản phẩm hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo

author 14:52 07/06/2023

(VietQ.vn) - Chỉ trong vòng 1 tháng lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra và xử lý 160 vụ vi phạm với 10.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa, thực phẩm vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 các Đội QLTT trong tỉnh đã tiến hành thực hiện kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa liên quan đến thực phẩm, chú trọng về lĩnh vực, nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương, các mặt hàng đã và đang được người tiêu dùng địa phương và du khách quan tâm, tiêu dùng như bánh phở, rượu thủ công, chân gà qua sơ chế,...

Kết quả, chỉ tính trong 1 tháng thực hiện Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý 160 vụ (bằng 139,1% so với kết quả kiểm tra “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022); số tiền phạt vi phạm hành chính 504.350.000 đồng (bằng 199,5% so với kết quả kiểm tra “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022); hàng hóa bị tịch thu hoặc buộc tiêu hủy do không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trị giá 160.145.000 đồng (bằng 81,5% so với kết quả kiểm tra “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022). Tịch thu hoặc buộc tiêu hủy trên 10.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa thực phẩm các loại gồm: 7.865 túi chân gà chế biến sẵn, 35 lít rượu không nhãn hàng hóa, 1.150 gói mì ăn liền nhập lậu, 800 Kg xúc xích không đảm bảo an toàn thực phẩm,...,

 Lạng Sơn xử lý 160 vụ vi phạm với 10.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Một số hành vi vi phạm hành chính chủ yếu, gồm: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu (thực phẩm bao gói sẵn, gia vị đóng lọ nhập lậu từ Trung Quốc,..); kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn hàng hóa (rượu, xúc xích…); sản xuất thực phẩm tại nơi không đảm bảo an toàn thực phẩm,...

Trong quá trình thực hiện, Cục QLTT đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác định đối tượng kiểm tra đảm bảo thuộc lĩnh vực, nhóm mặt hàng do ngành Công Thương quản lý, một số vụ việc điển hình đó là:

Ngày 28/4/2023 Đội QLTT số 3 (phụ trách địa bàn liên huyện Lộc Bình – huyện Đình Lập) kiểm tra, phát hiện 230,4 Kg chân gà tẩm ướp gia vị ăn liền sản xuất ngoài Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khâu hợp pháp, giá trị 28.800.000, đồng. Đội Quản lý thị trường số 3 đã xử phạt chủ hàng là bà Đặng Thị Thanh Nga (Khu Chộc Vằng, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) với số tiền 16.000.000 đồng và buộc tiêu hủy số tăng vật nêu trên theo quy định.

Ngày 18/5/2023 Đội QLTT số 3 (phụ trách địa bàn liên huyện Lộc Bình – huyện Đình Lập) tiến hành kiểm tra, xử lý ông Nguyễn Văn Huấn chủ cơ sở sản xuất bánh phở (địa chỉ số 169, khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi khu vực trần nhà, tường nhà nơi sản xuất bánh phở ẩm mốc, với số tiền xử phạt là: 12.000.000 đồng, hướng dẫn chủ cơ sở khắc phục điều kiện sản xuất kinh doanh đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Ngày 19/4/2023, Ðội QLTT số 4 (phụ trách địa bàn liên huyện Chi Lăng – huyện Hữu Lũng) phát hiện 550 kg xúc xích đóng túi loại 2,5 kg/túi sản xuất ngoài Việt Nam nhập lậu cùng một số loại hàng hóa khác. Đội Quản lý thị trường số 4 đã trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn xử phạt VPHC đối với ông Hà Quang V. (Số 210, đường Bà Triệu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) về hành vi vi phạm hành chính nêu trên với số tiền là 35.000.000 đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá: 11.100.000 đồng và buộc ông Hà Quang V. tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 46.750.000 đồng theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các biện pháp tích cực hơn nữa để có hiệu quả lan tỏa sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.

Thường xuyên làm tốt công tác quản lý địa bàn; kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định, chú trọng nắm tình hình để kịp thời kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang