Lãnh đạo Sở Công Thương nói gì vụ sữa dê Danlait kiện Quản lý Thị trường Hà Nội?

author 06:47 24/09/2014

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp sữa dê Danlait có những lập luận cho riêng mình, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng có những dẫn giải để đáp lại điều mà doanh nghiệp nói và hôm nay 24/9, tại TAND TP. Hà Nội các bên tiếp tục bước sang phần tranh luận.

Sản phẩm sữa dê Danlait năm 2013 đã bị Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội thu giữ

Sản phẩm sữa dê Danlait năm 2013 đã bị Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội thu giữ. Ảnh minh họa

Ngày 23/9, Tòa hành chính – TAND TP. Hà Nội  đã chính thức mở phiên xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Mạnh Cầm và bị đơn là ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng -  Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội.

Đến phiên tòa này, ông Vương Trí Dũng tiếp tục không tham dự và ủy quyền cho các đại diện hợp pháp dự tòa, gồm có ông Trịnh Quang Đức, Trưởng phòng nghiệp vụ và ông Nguyễn Minh Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12 và ông Kiều Đình Cảnh, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12. 

Về phía nguyên đơn, luật sư Nguyễn Thị Sinh tham dự phiên tòa với tư cách là đại diện pháp lý cho Công ty TNHH Mạnh Cầm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Sinh đã đưa ra các căn cứ chứng minh sai phạm của Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trong việc ký quyết định xử phạt hành chính và đưa ra những phát ngôn không chính xác trước báo chí khiến uy tín của công ty bị ảnh hưởng nặng nề.

Công ty Mạnh Cầm tố gì?

Theo diễn biến sự việc, từ năm 2013, Công ty TNHH Mạnh Cầm (Công ty Mạnh Cầm) bị tố bán sản phẩm kém chất lượng. Qua kiểm tra, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội (QLTT TP. Hà Nội) đã thu giữ các sản phẩm sữa dê Danlait của Công ty Mạnh Cầm và đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng với Công ty này do vi phạm về ghi nhãn hàng hóa.

Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi Công ty Mạnh Cầm không bằng lòng với các phán quyết của Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội và cho rằng số sữa bị tạm giữ đã bị hỏng, mốc, gây thiệt hại cho doanh nghiệp này và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, xây dựng doanh nghiệp của họ. Công ty này cũng cho rằng, trong khi chưa có kết quả kiểm nghiệm, ông Vương Chí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hà Nội đã cung cấp cho cơ quan báo chí thông tin sai lệch về Công ty Mạnh Cầm, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại vật chất lên tới trên 1,25 tỷ đồng.

Theo Công ty Mạnh Cầm, sự việc nêu trên đã làm 80% đại lý sữa đã tẩy chay sữa Danlait và Công ty không bán được hàng, tồn kho hơn 7.196 lon sữa. Ngoài ra, số lon sữa hiện còn bị tạm giữ đã bị hư hỏng do không được bảo quản đúng cách.

Công ty Mạnh Cầm xác định chịu thiệt hại hơn 26 tỷ đồng nhưng chỉ yêu cầu bồi thường 1,25 tỷ đồng tương đương với hơn 7.196 lon sữa tồn kho không bán được. Tại phiên tòa, Công ty Mạnh Cầm đã rút lại yêu cầu ông Vương Trí Dũng công khai xin lỗi doanh nghiệp. Trả lời câu hỏi của Chủ tọa, Công ty Mạnh Cầm trình bày số sữa nói trên vẫn còn hạn sử dụng, đến 2015.

Công ty Mạnh Cầm và các đại diện tại phiên tòa ngày 23/9

Công ty Mạnh Cầm và các đại diện tại phiên tòa ngày 23/9. Ảnh: H. D

Chi cục QLTT TP. Hà Nội lập luận ra sao?

Tại phiên tòa, đại diện Chi cục QLTT TP. Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử phạt dựa trên kết quả trinh sát của Đội Quản lý thị trường số 12 và văn bản yêu cầu thẩm tra, kiểm tra, xác minh của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Sau khi kiểm tra, Đội QLTT số 12 đã lập Biên bản vi phạm hành chính có nội dung thể hiện Công ty Mạnh Cầm có hành vi nhập khẩu, lưu thông sữa dành cho trẻ nhỏ nhưng không ghi đủ các cụm từ bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của nhà quản lý. 

Về dấu hiệu trốn thuế, đại diện Chi cục cho rằng, kiểm tra cho thấy phiếu xuất kho thể hiện sữa Danlait 1, 2, 3 có giá bán niêm yết tương ứng lần lượt là 400 - 400 - 410 nghìn đồng/lon. Đại diện Công ty Mạnh Cầm thừa nhận đây là giá bán thực tế. Tuy nhiên, hóa đơn giá trị gia tăng cho thấy giá bán kê khai thuế với Nhà nước chỉ có 110 nghìn đồng/lon. Với dấu hiệu trốn thuế này, Chi cục đã quyết định chuyển 190 phiếu xuất kho sang cơ quan thuế.

Về căn cứ, đại diện Chi cục cho biết theo quy định về xử lý tang vật và cơ chế phối hợp, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ngoài thẩm quyền thì phải chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Liên quan số sữa thu giữ, ngay sau ngày ban hành quyết định xử phạt (14/5/2013), Chi cục đã trả đủ cho Công ty theo biên bản giao nhận. Nhưng thực tế thì còn 400 lon sữa đã nhiều lần mời nhưng Công ty không lên làm việc để nhận lại.

Về việc thông tin báo chí làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đại diện Chi cục khẳng định Chi cục không tổ chức họp báo, không mời báo chí đến để thông tin. Thực chất, ngày 2/4/2013, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức cuộc họp giao ban báo chí trong đó có nội dung về công tác quản lý thị trường trên địa bàn. Chi cục được yêu cầu tham gia và đồng chí Chi cục trưởng đã giao cho ông Vương Trí Dũng đi họp. Tại cuộc họp này, Chi cục được yêu cầu thông tin về tình hình quản lý thị trường trong đó có vụ việc của sữa Danlait và ông Dũng đã thông tin đúng sự thật: về chất lượng sữa còn đang kiểm nghiệm, cơ bản đạt yêu cầu; về nhãn có cơ sở kết luận vi phạm nhưng còn chờ kết luận liên ngành, có dấu hiệu vi phạm về thuế đã chuyển sang cơ quan thuế.

Chất lượng sữa lô hàng thu giữ không bị ảnh hưởng

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam tại giao ban báo chí chiều ngày 23/9/2014 của Thành ủy Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sự việc Công ty Mạnh Cầm kiện Quản lý Thị trường Hà Nội không phải là kiện ông Vương Trí Dũng mà là kiện Chi cục Quản lý Thị trường trong đó ông Vương Trí Dũng là đại diện.

Sự việc này đã diễn ra từ năm 2013 và trong quá trình đó, Công ty TNHH Mạnh Cầm kiện lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về việc Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội thu giữ hàng hóa của doanh nghiệp này.

Trong đó có các sản phẩm sữa bị thu giữ và có dấu hiệu các sản phẩm sữa trong quá trình thu giữ đã bị hỏng. Công ty Mạnh Cầm đã đòi Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội phải bồi thường. Để làm rõ chất lượng sản phẩm, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã đem lô hàng mà như Công ty Mạnh Cầm nói là bị hỏng tới nơi kiểm định chất lượng, xác định xem chất lượng của sản phẩm sữa đó có bị giảm hay không.

Kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm sữa đó vẫn còn tốt. Tuy nhiên trong quá trình thu giữ sản phẩm, do không có kho chuyên dùng, không có nơi bảo quản tốt, nên những bao bì sản phẩm bên ngoài đã bị han gỉ, bị xấu đi còn chất lượng sữa bên trong không bị ảnh hưởng và vẫn còn tốt. 

Cũng theo bà Lan, vấn đề báo chí quan tâm sẽ được báo cáo lên Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội và ngày gần nhất sẽ có văn bản, thông tin chính thống tới báo giới. 

"Dù là cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp... tất cả chúng ta đều nhìn vào công lý của pháp luật. Những đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, kể cả đó là cơ quan Nhà nước hay là doanh nghiệp. Chúng ta nên chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, cơ quan công lý đại diện hợp pháp cho các tổ chức và người dân, phán quyết sự việc", bà Lan cho biết thêm. 

Được biết, vào 8h sáng ngày 24/9 phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra.

 

 

Hồng Anh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang