Thu giữ lượng lớn đồ chơi trẻ em nhập lậu

author 18:02 13/04/2023

(VietQ.vn) - Theo Tổng Cục QLTT, thời gần đây lực lượng chức năng đã liên tiếp thu giữ nhiều đồ chơi trẻ em có dấu hiệu nhập lậu.

Liên tiếp thu giữ đồ chơi trẻ em nhập lậu

Với tỷ lệ trẻ 0 – 14 tuổi chiếm tới 36%, Việt Nam đang được xem là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em, đặc biệt là khi mức sống của đa số người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên hiện nay tình trạng nhập lậu đồ chơi trẻ em ngày càng gia tăng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Cụ thể, tại khu vực Quảng trường Ga Lào Cai, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Lào Cai phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh Lào Cai phát hiện trên thùng xe ô tô tải màu sơn xanh (thùng kín) nhãn hiệu FONTON, biển kiểm soát: 29H-786.53 đang dừng đỗ tại sân Quảng trường Ga Lào Cai có chở hàng hoá là đồ chơi trẻ em, xúc xích ăn liền có dấu hiệu là hàng hoá nhập lậu và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người điều khiển phương tiện là ông Nguyễn Hồng Quân (sinh năm 1996, trú quán tại tỉnh Lào Cai).

Lượng lớn đồ chơi trẻ em, xúc xích nhập lậu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai 

Tiến hành khám thùng xe chở hàng hóa, lực lượng chức năng phát hiện trên phương tiện do ông Quân điều khiển vận chuyển tổng cộng 66.128 đơn vị sản phẩm là xúc xích viên ăn liền; Đồ chơi phun nước; Bộ đồ chơi đèn chiếu sáng; Đồ chơi đất nặn trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ; không có hoá đơn chứng từ và giấy tờ, tài liệu kèm theo. Riêng, 56.000 vỉ xúc xích ăn liền trên vỏ thùng in chữ nước ngoài; xuất xứ ghi Made in China. Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Lào Cai đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hoá để tiếp tục xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới việc thu giữ đồ chơi trẻ em nhập lậu, trước đó Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh An Giang phối hợp với Đội QLTT số 6 tiến kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh T.T, Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 13 mặt hàng đồ chơi trẻ em các loại do Trung Quốc sản xuất. Tất cả hàng hóa đều là hàng hóa nhập lậu.

Cụ thể, qua kiểm tra, Hộ kinh doanh cửa hàng T.T, do bà N.T.C.T là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ Tổ 11, ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, đang hoạt động kinh doanh và trưng bày nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em như: đồ chơi con cua hiệu CUTE CRAB, đồ chơi con vịt hiệu THE DUCK, xe đồ chơi hiệu INERTIAL ENGINEERING, xe đồ chơi hiệu SANITATION, bảng gỗ đếm số, đồ chơi PIN hình con chó hiệu TOYS, đồ chơi cây đàn hiệu AVENGERS AND GAME GUITAR SERIES, đồ chơi PIN hình cá mập, hiệu TOYS, đồ chơi quả bóng bằng nhựa dẻo hiệu PUFFER BALL, xe đồ chơi hiệu LARGE TRUCK, đồ chơi điện tử dùng Pin hiệu BRICK GAME, xe điều khiển hiệu Radio, đồ chơi lego hiệu MICRO. Tổng trị giá hàng hóa gần 54 triệu đồng.

Tương tự, theo nguồn tin từ Cục QLTT tỉnh Phú Yên, trước đó Đội QLTT số 4 phối hợp với lực lượng Công an huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên tổ chức khám phương tiện vận tải mang biển kiểm soát 51C-626.93 do ông Dương Thanh Vũ (sinh ngày 29/10/1976 địa chỉ thường trú tại Phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là người điều, đồng thời là người quản lý hàng hóa. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 460 đơn vị hàng hoá là đồ chơi trẻ em các loại (hình con vật dùng pin, bắn bong bóng, quạt, xếp hình, dụng cụ câu cá, đồ chơi bác sĩ, người nhện, lắp ráp xe…); 01 xe ba bánh nhãn hiệu Loncin. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá, không có tem CR trên sản phẩm.

Quy chuẩn Quốc gia QCVN 3 : 2009/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em

Theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN 3 : 2009/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em quy định các yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ em, các phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Trong Quy chuẩn này, đồ chơi trẻ em được hiểu là sản phẩm hoặc vật liệu bất kỳ được thiết kế để trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng khi chơi.

Quy chuẩn này yêu cầu về an toàn đối với đồ chơi trẻ em: Theo đó yêu cầu về cơ lý theo TCVN 6238-1 : 2008 (ISO 8124-1:2000) An toàn đồ chơi. Yêu cầu về chống cháy theo TCVN 6238-2 : 2008 (ISO 8124-2:2007) An toàn

Yêu cầu về giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại theo TCVN 6238-3 : 2008 (ISO 8124-3:1997) An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 3 : Mức giới hạn xâm nhập của các độc tố.

Giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại trong đó chất lỏng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có độ pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0 khi thử nghiệm theo ISO 787-9. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ để viết.

Yêu cầu chất Formaldehyt trong đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi. Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.

Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong bảng dưới đây:

Ngoài ra Quy chuẩn này phải đáp ứng các yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác được quy định tại các văn bản có liên quan.

Ngoài các yêu cầu quy định tại các điểm 2.1.1, 2.1.2. và 2.1.3. của Quy chuẩn này, đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V.

Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện.

Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Các quy định về cảnh báo nêu trong các tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang