Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận tạm thời về việc thiết lập chứng nhận về loại bỏ carbon

author 06:39 22/02/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Hội đồng châu Âu (EC) cho biết các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận tạm thời về việc thiết lập Khung chứng nhận cấp EU về loại bỏ carbon (CRCF) nhằm đẩy nhanh các mục tiêu trung hòa carbon.

Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON

Cụ thể, ngày 20/02/2024 Nghị viện châu Âu (EP) và các nhà đàm phán của 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí về các quy tắc liên quan đến CRCF nhằm khuyến khích các hình thức loại bỏ carbon trên toàn khối. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược của EU nhằm đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 trước năm 2050.

Trong một tuyên bố, EU cho biết Khung chứng nhận cấp EU về loại bỏ carbon (CRCF) đặt ra các quy tắc về hoạt động đăng ký loại bỏ carbon và cấp đơn vị tín chỉ loại bỏ carbon là "triệu tấn CO2e" (CO2 tương đương) đối với các hoạt động loại bỏ carbon hoặc giảm phát thải đất/nông nghiệp được chứng nhận tại các cơ quan đăng ký công cộng.

Cơ quan đăng ký loại bỏ carbon trên toàn EU sẽ được thành lập 4 năm sau khi CRCF được thông qua. CRCF cũng sẽ mở đường để nông dân EU có thể trao đổi tín chỉ carbon, hứa hẹn một nguồn doanh thu mới.

Báo cáo viên đặc biệt của EP về CRCF, bà Lídia Pereira, cho rằng thỏa thuận thiết lập CRCF sẽ giúp ngăn chặn tình trạng "tẩy xanh," thúc đẩy đầu tư tư nhân trong lĩnh vực loại bỏ carbon và phát triển các thị trường carbon tự nguyện cho phép các cơ sở phát thải bù trừ lượng phát thải bằng cách mua tín chỉ carbon.

"Tẩy xanh" là thuật ngữ chỉ việc các công ty đưa ra tuyên bố không có cơ sở nhằm đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của họ là thân thiện với môi trường hoặc có tác động tích cực đối với môi trường hơn so với thực tế.

Thỏa thuận tạm thời về CRCF sẽ được đệ trình để đại diện của các quốc gia thành viên EU trong EC và Uỷ ban môi trường của EP thông qua. Nếu được phê duyệt, thỏa thuận này sau đó sẽ cần được EC và EP chính thức thông qua.

Loại bỏ carbon dioxide, hay còn gọi là CO2 (CDR), có thể giúp loại bỏ lượng CO2 ra khỏi khí quyển thông qua các chiến lược ngăn chặn biến đổi khí hậu, thay vì các chiến lược hạn chế phát thải.

Xu hướng loại bỏ carbon dioxide đang gia tăng mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng công nghệ này chưa được thử nghiệm và chi phí đắt đỏ.

Cơ quan đăng ký loại bỏ carbon trên toàn Liên minh châu Âu (EU) sẽ được thành lập 4 năm sau khi Khung chứng nhận cấp EU về loại bỏ carbon (CRCF) được thông qua. Ảnh minh họa 

Hiện nay có nhiều loại thị trường carbon khác nhau, bao gồm thị trường carbon chủ quyền (nghĩa là trao đổi các tín chỉ carbon được ban hành ở phạm vi quốc gia thay vì ở phạm vi dự án đơn lẻ), thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Mỗi loại thị trường có cấu trúc hoạt động và các mục tiêu khử cacbon khác nhau. Trong khi thị trường chủ quyền và thị trường bắt buộc mang tính yêu cầu tuân thủ, tức là đòi hỏi các bên chịu sự quản lý hoặc đã đưa ra cam kết phải đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải; thì thị trường tự nguyện không mang tính bắt buộc và hoạt động dựa trên các cam kết tự nguyện về phát thải ròng bằng "0". Cụ thể:

Thị trường carbon chủ quyền tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thông qua các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính của nội bộ doanh nghiệp. Việc mua bán tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế là một giải pháp góp phần hiện thực hóa các sáng kiến trên. Điều 6 của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đã đưa ra một khung triển khai cho việc mua bán tín chỉ này để đảm bảo tính tin cậy.

Thị trường carbon bắt buộc tập trung vào việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải của quốc gia bằng cách yêu cầu những tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn phải quản lý và chi trả cho lượng phát thải carbon của mình. Một số ví dụ bao gồm thị trường quốc gia Trung Quốc, RGGI (Regional Greenhouse Gas Initiative - thị trường carbon bắt buộc tại Mỹ) và EU.

Thị trường carbon tự nguyện giúp các doanh nghiệp đạt cam kết phát thải ròng bằng "0" thông qua việc sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ cho lượng phát thải carbon của họ.

EU hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon trước năm 2050. Ngày 6/2 vừa qua, EU đã công bố Chiến lược Quản lý carbon công nghiệp, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng tốc triển khai thu hồi và lưu trữ carbon để đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang