Lợi dụng các đơn hàng ảo trên sàn thương mại điện tử để trục lợi ưu đãi

author 06:14 17/01/2024

(VietQ.vn) - Hàng loạt nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam bày tỏ bức xúc trên các mạng xã hội khi bị khoá tài khoản, thậm chí cấn trừ số tiền lên tới cả tỷ đồng với lý do gian lận, trục lợi ưu đãi từ giao dịch.

Sàn hoạt động giao dịch thương mại điện tử nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, lấn át thị phần của cửa hàng, cửa hiệu, chợ truyền thống. Sự nhanh chóng tiện dụng, dễ tương tác, sản phẩm có thể nhìn rõ, xem chi tiết trước khi đến tay người mua giúp cho giao dịch thương mại điện tử như vết dầu loang, tràn ngập lượng giao dịch mua bán của người tiêu dùng.

Hàng loạt nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử bày tỏ bức xúc trên các mạng xã hội khi bị khoá tài khoản, thậm chí cấn trừ số tiền lên tới cả tỷ đồng với lý do gian lận, trục lợi ưu đãi từ giao dịch. Nhiều ý kiến thậm chí tố sàn đã độc quyền, chèn ép nhà bán khi xử lý mà không tôn trọng nhà bán. Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia lại bày tỏ sự ủng hộ với các biện pháp mạnh tay để làm sạch môi trương kinh doanh trực tuyến.

Trục lợi ưu đãi là hành vi người bán hoặc người mua cố tình tạo ra các đơn hàng ảo và thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử nhằm hưởng các ưu đãi giảm giá, miễn phí giao hàng từ sàn. Người bán sau đó sẽ hoàn lại tiền cho người mua. Giao dịch vật lý sau đó không được thực hiện, người mua không mất tiền nhưng sàn thương mại điện tử vẫn phải trả khoản ưu đãi cho người bán. Theo các chuyên gia, tình trạng trục lợi ưu đãi này đã diễn ra từ lâu và khá phổ biến trên thị trường.

Ra đời từ năm 2015, Shopee nhanh chóng phủ khắp thị phần của Đông Nam Á như: Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Việt Nam, Philippines với sự đa dạng của sản phẩm trên mọi lĩnh vực: Điện tử, vật gia dụng, quần áo, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, thể thao… “Cần gì cứ lên Shopee” đã thành câu nói quen thuộc của nhiều bạn trẻ.

Để kéo khách quay lại giao dịch, Shopee không ngần ngại làm mọi cách để thu hút, tạo lợi ích cho người mua, dù phải chia lợi ích bằng cách tặng mã giảm giá (voucher) cho người mua. Nhưng bên cạnh việc ưu đãi người mua thì Shopee đã “vặt lại“ chủ shop có đăng ký trên sàn của Shopee với số tiền không hề nhỏ, tức là trừ tiền của người bán hàng trên Shopee với lý do khá chung chung “vi phạm gian lận” chứ không chỉ rõ là đơn hàng nào gian lận, thời điểm nào gian lận.

 Hàng loạt nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam bày tỏ bức xúc trên các mạng xã hội khi bị khoá tài khoản, thậm chí cấn trừ số tiền lên tới cả tỷ đồng với lý do gian lận, trục lợi ưu đãi từ giao dịch. Ảnh minh họa

Những chủ shop hàng mất nhiều tiền của, công sức đầu tư cho gian hàng, họ rất bức xúc vì số tiền bị lấy mất không hề nhỏ. Bên cạnh đó, các chủ shop bị gài kèm các gói dịch vụ như freeship, voucher… mà không kiểm soát để ý, vì đa số chủ gian hàng lười, không đọc kĩ các điều khoản ràng buộc mà chỉ nhấn vào đã đọc, đồng ý... sau đó sẽ mất số tiền hàng tháng không hề nhỏ.

Với số lượng chủ gian hàng đăng ký trên Shopee lên tới hàng vạn gian hàng thì số tiền mà Shopee thu về rất nhiều tỉ đồng. Có cả những khiếu nại từ chủ shop về việc nhân viên Shopee tự ý hạ giá sản phẩm, cài cắm thêm dịch vụ gây thiệt hại cho chủ shop mà không thông báo rõ ràng. Phần chiết khấu từ sản phẩm bán qua sàn Shopee khá cao cũng buộc chủ shop phải đẩy giá bán để đảm bảo lợi nhuận dẫn đến mất sức thu hút, cạnh tranh.

Theo bà Quyên Trần - Giám đốc vận hành sàn Thương mại điện tử Shopee cho biết. "Sau khi xác minh các gian lận, chúng tôi phải xử lý để đảm bảo công bằng, minh bạch cho cả người mua và người bán. Khi xác minh đúng vi phạm chúng tôi sẽ cấn trừ tiền phạt trực tiếp từ tài khoản của nhà bán hàng cũng như là thông báo cho họ".

Đánh giá tình hình trên, ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Hiệp hội Thương mại điện tử, Giảng viên Đại học Thương mại cho rằng: "Chúng ta thấy là nhiều người bán đã bỏ qua hoặc là coi thường những quy định trước đây mà đáng ra họ phải tuân thủ. Nếu chúng ta không có các hoạt động để rà soát lại thì sau này chính sàn thương mại điện tử cũng sẽ phải đi xử lý các vấn đề vi phạm. Thậm trí phải chịu trách nhiệm liên đới nếu như các vi phạm này diễn ra ảnh hưởng quá nhiều đến người tiêu dùng".

Ông Hoàng Tùng, chuyên gia về Thương mại trực tuyến và ngành hàng F&B đánh giá, về mặt lâu dài việc sàng lọc này rất tốt cho thị trường. Bởi những nhà bán hàng thực sự chuyên nghiệp đem lại sản phẩm có giá trị thực đối với khách hàng. 

"Việc sàng lọc về lâu về dài thực sự rất tốt, khiến cho thị trường minh bạch hơn. Nó cũng giúp cho việc cạnh tranh giữa các nhà bán hàng sòng phẳng hơn, chuyên nghiệp hơn. Và tôi nghĩ là các nhà bán hàng sẽ cần phải cạnh tranh bằng sản phẩm thay vì sử dụng các tip, trick để trục lợi", ông Tùng nhấn mạnh.

Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 vẫn là điểm sáng của nền kinh tế khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số. Tuy nhiên, cùng với đó thì người dùng cũng ngày càng khắt khe hơn và vì thế các chiến dịch sàng lọc nhà bán vào lúc này cũng cho thấy các sàn thương mại điện tử đã bước qua giai đoạn làm thị trường và tập trung vào chất lượng của dịch vụ.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang