"Cần xử lý hình sự vụ tráo thủy tinh thể"

author 08:36 03/10/2013

Luật sư Lê Cao, Cty luật hợp danh FDVN (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho rằng, nếu thực sự có những hành vi nghiêm trọng như đánh tráo thủy tinh thể ở bệnh viện Mắt Hà Nội cần phải quyết liệt xử lý hình sự để cảnh tỉnh, răn đe và cũng là cách ngăn ngừa các sai phạm đang âm ỉ diễn ra.

Sự kiện:

Thưa luật sư, lâu nay rủi ro trong khám chữa bệnh thường người bệnh, thân nhân của họ đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, hiện nay pháp luật đã điều chỉnh về vấn đề trách nhiệm trong khám chữa bệnh?

Theo tôi hiện nay chúng ta không thể cứ luẩn quẩn trong câu chuyện y đức nữa, mà điều cần bàn hơn phải là vấn đề “y pháp”. Rõ ràng, đối với xã hội thì nghề y vô cùng quan trọng và ý nghĩa, bởi không có gì có thể so sánh với sự sống, cũng như sức khỏe của con người. 

Nghề y được coi là nghề đặc thù với công việc chuyên môn đặc trưng nên rất cần y đức của người thầy thuốc, nhưng nếu thiếu quy phạm pháp luật điều chỉnh một cách nghiêm ngặt, thì chính sự nương nhờ vào y đức sẽ là mối nguy, là điều kiện thuận lợi cho tiêu cực, cho sự thiếu trách nhiệm xuất hiện.

Những bệnh nhân điều trị thay thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt Hà Nội đang mong chờ những phán quyết công bằng của cơ quan chức năng trong vụ việc

- Vậy chế tài ở đây là gì, chẳng lẽ người bệnh luôn phải chịu thiệt?

Tất nhiên là đã có các quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề này, chẳng hạn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì Luật khám chữa bệnh cũng đã đề cập. Nhưng lại đề cập dường như ở khía cạnh lỗi vô ý chứ chưa quyết liệt tạo dựng quy phạm cụ thể cho các hành vi trái luật do cố ý, thiếu trách nhiệm, bị tê liệt y đức.

Điều 76, Luật khám bệnh, chữa bệnh có quy định về trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.

Do vậy, về trách nhiệm dân sự thì những bệnh nhân là bị hại của các cơ sở chữa bệnh, trên cơ sở chứng cứ chứng minh được thiệt hại của mình do lỗi của bệnh viện thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu bệnh viện không chịu bồi thường thì bệnh nhân có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Tại sao chỉ là trách nhiệm bồi thường về tài sản mà không phải là một trách nhiệm pháp lý khác?

Luật khám bệnh, chữa bệnh có nói đến khái niệm tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.

Như tôi đã đề cập qua, đó là trách nhiệm do anh vô ý, do đơn thuần sai sót chuyên môn kỹ thuật mặc dù đã làm hết y đức của mình. Tuy nhiên, dù vô ý, mà cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 109, Bộ luật hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Theo đó, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

- Trường hợp cố ý có những hành vi trái pháp luật thì chịu trách nhiệm như thế nào, cụ thể như việc bệnh viện mắt Hà Nội bị tố cáo “tráo thủy tinh thể” đối với bệnh nhân?

Ví dụ như anh “nhân bản” kết quả xét nghiệm, anh “đánh tráo thủy tinh thể” thì lại khác, nếu cơ quan điều tra làm rõ thực sự có các hành vi đó thì không đơn thuần chỉ là chuyện khám, chữa bệnh mà là hành vi đục khoét thân thể người bệnh để trục lợi, cố tình gây hại cho sức khỏe bệnh nhân để được lợi cho bản thân.

Và nếu có các hành vi đó, theo bộ luật hình sự hiện hành tùy từng trường hợp khác nhau có thể phạm vào các tội như theo Điều 242 Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, hay tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật hình sự.

Theo tôi, nếu thực sự có những hành vi nghiêm trọng như thế cần phải quyết liệt xử lý hình sự để cảnh tỉnh, răn đe và cũng là cách ngăn ngừa các sai phạm đang âm ỉ diễn ra.

- Như vậy người bệnh vẫn có các cơ sở để đòi công lý, yêu cầu cơ quan pháp luật bảo vệ quyền lợi cho mình,  thưa luật sư?

Thực ra các quy định về bồi thường thiệt hại như trên, về trách nhiệm hình sự như trên còn rất chung chung và quá mơ hồ. Luật chưa chỉ dẫn rõ những trường hợp ra sao, gây hại một mức cụ thể như thế nào, biểu hiện hành vi cơ sở nào để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự.

Thực tế hiện nay rất hiếm thấy một bác sỹ, một lãnh đạo nào của bệnh viện hay ngành y bị khởi tố liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh bị xâm phạm do chính hoạt động khám, chữa bệnh gây ra.

Những đơn thư tố cáo gần đây cũng là một tín hiệu có tính tiêu cực ở khía cạnh tức thời, tinh thần đấu tranh chống lại cái tiêu cực, cái ác, cái xấu đó hy vọng sẽ được nhân lên, nhưng phải có một hệ thống quy phạm đầy đủ, phải có các điều kiện đảm bảo cho pháp luật được thực thi hiệu quả thì mới thực hiện bảo vệ được người bệnh. Nếu không, chúng ta lại thường rơi vào tình trạng “đánh bùn sang ao” giữa những người có lỗi, trách nhiệm thành quả bóng.

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang