Ô nhiễm rác thải nhựa từ đồ uống đóng chai đáng báo động

author 20:39 29/03/2025

(VietQ.vn) - Ô nhiễm rác thải nhựa từ đồ uống đóng chai đáng báo động. Trong đó, Tập đoàn đồ uống Coca-Cola gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới, lượng rác nhựa từ các sản phẩm của tập đoàn này đủ để lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi.

Tác động môi trường nghiêm trọng của rác thải nhựa khi trôi dạt ra biển

Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Oceana công bố ngày 26 tháng 3 năm 2025, lượng rác thải nhựa từ sản phẩm của Coca-Cola có thể đủ để “lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi”. Con số này khiến nhiều người phải suy ngẫm về tác động môi trường nghiêm trọng của rác thải nhựa khi trôi dạt ra biển. Các hạt vi nhựa nhỏ li ti không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển mà còn có thể tích tụ trong chuỗi thực phẩm, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Coca-Cola gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới. Ảnh minh họa

Nghiên cứu đăng trên Tập san học thuật Science Advances năm 2024 đã xếp Coca-Cola vào vị trí số một trong danh sách các công ty gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới. Các đối thủ khác như PepsiCo, Nestlé, Danone và Altria cũng nằm trong top những tên tuổi có lượng rác thải nhựa đáng báo động. Ước tính của Oceana, dựa trên dữ liệu từ năm 2018 đến 2023, cho thấy Coca-Cola dự kiến sẽ sử dụng hơn 4,13 triệu tấn nhựa mỗi năm vào năm 2030 – con số này tương đương với việc thải ra môi trường gần 220 tỷ chai nhựa.

Trước áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo vệ môi trường, Coca-Cola đã từng cam kết sử dụng bao bì tái sử dụng với mục tiêu đạt 25% vào năm 2030. Tuy nhiên, theo lộ trình phát triển mới nhất được công bố vào tháng 12 năm 2024, cam kết này đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, tập trung hiện nay của tập đoàn là tăng tỷ lệ tái chế trong bao bì và cải thiện hệ thống thu gom dù điều này đòi hỏi thay đổi thói quen tiêu dùng và khắc phục những hạn chế trong việc tái chế chai soda.

Người phát ngôn của Coca-Cola cho biết công ty không chỉ đầu tư để tăng cường sử dụng vật liệu tái chế mà còn đang mở rộng các tùy chọn bao bì có thể tái sử dụng. Hệ thống tái sử dụng nhựa đã được triển khai ở các quốc gia như Brazil, Đức, Nigeria và bang Texas (Mỹ), tạo ra một mô hình tiên phong trong ngành đồ uống. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo rằng, phụ thuộc vào tái chế không giải quyết triệt để gốc rễ của khủng hoảng – khi sản xuất nhựa vẫn dựa vào dầu mỏ và tiếp tục góp phần vào biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm nhựa toàn cầu và tác động đến Việt Nam

Tình trạng ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề của các tập đoàn đa quốc gia mà còn là thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, theo TS. Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra, trong đó chỉ có 27% được tái chế. Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển, với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và Bình Thuận đang gánh chịu áp lực quản lý ngày càng nặng nề.

Một khảo sát năm 2019 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh cho thấy, rác thải nhựa chiếm tới 92,2% số lượng và 64,8% khối lượng tổng rác thu gom trên các bãi biển. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến du lịch mà còn đe dọa hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản và sức khỏe cộng đồng.

Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát rác thải nhựa. Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đặt ra mục tiêu giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa đến năm 2025 và 75% vào năm 2030. Bên cạnh đó, các giải pháp từ tuyên truyền, thay đổi hành vi người dân đến thu gom, phân loại và xử lý rác thải đang được triển khai đồng bộ tại nhiều địa phương.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ô nhiễm nhựa là vấn đề vượt qua ranh giới quốc gia. Nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung, dựa trên dữ liệu từ chương trình theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia, cho thấy lượng ô nhiễm nhựa có thương hiệu và không thương hiệu gần như ngang nhau. Điều này đòi hỏi các tiêu chuẩn quốc tế về bao bì cần được xây dựng chặt chẽ hơn, nhằm tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình trong ngành sản xuất.

Trong khi đó, mỗi người dân cũng cần ý thức hơn trong việc tiêu dùng và xử lý rác thải, góp phần xây dựng một môi trường sống trong lành cho hiện tại và tương lai.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang