Máy ép nệm mút cuốn dập nát cánh tay nam công nhân

author 09:30 29/06/2024

(VietQ.vn) - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.Hồ Chí Minh) vừa cấp cứu một nam công nhân L.V.C (52 tuổi) không may bị máy ép nệm mút cuốn lấy nguyên cánh tay phải, gây tổn thương nghiêm trọng.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dập nát cẳng tay phải, lóc da, vết thương lóc da phức tạp vùng cẳng - cổ tay phải, đứt gần toàn bộ gân gấp, không bắt được mạch quay, lộ xương vùng cẳng tay, mất máu nhiều. Lập tức, bệnh nhân được chuyển qua phòng mổ khẩn cấp để mổ thám sát.

Quá trình mổ, ê kíp phẫu thuật nhận thấy mô cơ dập nát và tắc động mạch quay 1/3 trên, bị dập và đứt mạch trụ một đoạn khoảng 8 cm. Ê kíp đã cắt đoạn mạch bị dập, khâu phục hồi động mạch quay và lấy tĩnh mạch chân trái thay thế và khâu phục hồi động mạch trụ giúp bảo tồn hệ thống mạch, thần kinh cho bệnh nhân, đảm bảo vận động sau này. Đồng thời, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình đã xử lý cắt lọc cơ dập nát, khâu phủ vết thương cho người bệnh.

 

 Nam công nhân bị thương nặng do máy ép nệm mút cuốn. Ảnh: Thanh Niên

Hiện tại, cánh tay bệnh nhân ấm, bệnh nhân cử động duỗi ngón tay, gấp nhẹ được các ngón, SPO2 ngón tay tốt (97-99%). Bệnh nhân đang được chăm sóc hậu phẫu để tiếp tục kiểm tra chức năng vận động.

Được biết, trong lúc đang làm việc, nam công nhân L.V.C (52 tuổi, ngụ ở thành phố Hồ Chí Minh) không may bị máy ép nệm mút cuốn lấy nguyên cánh tay phải, gây tổn thương nghiêm trọng.

Liên quan tới tình trạng tai nạn máy cơ khí, trước đó tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước một nam công nhân bị cuốn vào máy của công ty sản xuất ván ép hay Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa tiếp nhận gần chục bệnh nhân bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc như sử dụng máy cưa gỗ, máy ép phế liệu, dao chặt cây… thậm chí, có bệnh nhân còn bị đứt lìa cùng lúc nhiều ngón tay. Bác sĩ Luân khuyến cáo, người lao động nên đảm bảo an toàn lao động; trang bị kiến thức để khi chẳng may xảy ra tai nạn thì biết cách sơ cứu vết thương, đến cơ sở y tế nhằm cấp cứu kịp thời.

Một số tiêu chuẩn và quy chuẩn áp dụng với lĩnh vực cơ khí, máy móc, thiết bị

Hiện nay riêng quy chuẩn Việt Nam về cơ khí khá khiêm tốn, với khoảng 17 quy chuẩn liên quan tới vật liệu cơ khí, máy nông nghiệp và phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó có 5 quy chuẩn do Bộ Công Thương xây dựng, 9 quy chuẩn do Bộ Giao thông vận tải xây dựng và 1 quy chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, 2 quy chuẩn liên quan tới thép do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Trong đó gồm: Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007, Quyết định 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/04/2019 Quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; TCVN 8995: 2011 về Thép kỹ thuật cơ khí thông dụng; TCVN 4744: 1989 về Quy phạm kỹ thuật an toàn trong các cơ sở cơ khí.

Ngoài ra, doanh nghiệp cơ khí hiện nay áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến hệ thống quản lý chất lượng, môi trường để đảm bảo tuân thủ yêu cầu pháp luật cũng như vận hành doanh nghiệp ổn định đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Các tiêu chuẩn đó là ISO 9001: 2015 – Hệ thống quản lý chất lượng; ISO 14001: 2015 – Hệ thống quản lý môi trường; ISO 45001: 2018- Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe và nghề nghiệp.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang